(THPL) - Mặc dù đã đi vào hoạt động được hơn 2 năm, nhưng việc đền bù cho người dân tại công trình thủy điện Cẩm Thủy 1, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa đến nay vẫn chưa hoàn thành, dẫn đến cuộc sống của các hộ dân bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, đặc biệt là khi mùa mưa bão đang cận kề

Nhà máy thủy điện Cẩm Thủy 1 là dự án do Công ty CPĐT Xây dựng hạ tầng và giao thông (Intracom) làm chủ đầu tư, được khởi công vào năm 2013. Công trình được xây dựng theo công nghệ thủy điện lòng sông, có công suất thiết kế 28,8MW gồm 2 tổ máy. Nhà máy gồm các hạng mục: Đập tràn, đập dâng, đập xả lũ, xả cát, kênh dẫn nước, âu thuyền, 2 tổ máy phát điện, trạm biến áp và đường dây kết nối 110 KV... tổng mức đầu tư trên 1.300 tỷ đồng. Tổng diện tích đất thực hiện dự án là 481 ha, nằm trên bậc thang cuối của sông Mã, khu vực bờ phải thuộc phố Vạc, xã Cẩm Thành, bờ trái thuộc thôn Kim Mẫn, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thuỷ. Tuy nhiên, sau khi xây dựng hoàn thành và tiến hành tích nước nhằm đi vào hoạt động, nhà máy đã bị một số hộ dân tại đây phản ánh về việc thường xuyên gây ngập lụt, có tình trạng nước ngầm gây sụt lún ảnh hưởng đến công trình, nhà cửa của người dân. Trong khi đó, việc đền bù thiệt hại về đất, tài sản cho một số hộ dân còn nhiều điểm chưa thỏa đáng.

Trong đơn thư kêu cứu gửi Tòa soạn Thương hiệu & Pháp luật, bà Hà Thị Ngọc và bà Phan Thị Thanh (thôn Thành Long, xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) cho biết: "Sau khi thủy điện Cẩm Thủy 1 tích nước đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân, cụ thể là các mạch nước ngầm dâng cao, ngập phần lớn diện tích đất ở. Nhà cửa bị ngâm trong nước, nứt nẻ, hư hỏng dần, nhà vệ sinh không thoát được nước, giếng ăn bị ô nhiễm, vườn tược, chuồng trại cũng bị ngập hết, không thể tăng gia sản xuất để sinh sống".

Nước lũ dâng ngập nhà bà Hà Thị Ngọc - Ảnh: Đại Dương

Trước tình hình đó, các hộ dân đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền địa phương. Ngày 10/03/2020, UBND huyện Cẩm Thủy đã có văn bản trả lời kiến nghị của bà Hà Thị Ngọc và bà Phan Thị Thanh. Nội dung văn bản nêu rõ: Sau nhiều lần kiểm tra, giải quyết nhưng việc xác định mức độ ảnh hưởng cho các hộ vượt quá vượt quá khả năng của huyện nên huyện đã xin ý kiến của Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa và đồng ý để Hội đồng giải phóng mặt bằng của huyện ký hợp đồng với Trung tâm kiểm định chất lượng xây dựng thuộc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa giúp huyện đánh giá mức độ ảnh hưởng của các hộ dân và lập dự toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ cho các hộ. Sau khiTrung tâm kiểm định chất lượng xây dựng thuộc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa kiểm định, đánh giá, lập dự toán lại, hội đồng giải phóng mặt bằng huyện đã hoàn chỉnh lại phương án bồi thường và trình UBND huyện quyết định phê duyệt phương án bồi thường cho các hộ dân. Trong đó có hộ bà Hà Thị Ngọc được bồi thường, hỗ trợ là 193.774.500đ, hộ bà Phan Thị Thanh được bồi thường, hỗ trợ là 45.493.500đ.

Trao đổi với phóng viên, bà Hà Thị Ngọc cho biết: “Gia đình chưa nhất trí với phương án đền bù của huyện. Trước đây gia đình có diện tích đất chăn nuôi cho thu nhập hơn 100 triệu/năm, hiện nay không những quỹ đất không còn mà ngay cả công trình nhà ở, các công trình phụ trợ cũng xụt lún, nứt, xuống cấp nghiêm trọng do bị ngập, úng nước. Trong khi đó, thủy điện Cẩm Thủy 1 lại đền bù, hỗ trợ với hình thức hư hỏng đến đâu, đền bù đến đó, chia thành nhiều đợt, nhiều phương án, dẫn việc gia đình bà không thể ổn định cuộc sống lâu dài, muốn chuyển đi cũng không được, ở cũng không xong”.

Bà Phan Thị Thanh cũng bức xúc lên tiếng: “Từ khi thủy điện Cẩm Thủy 1 tích nước, bà và các thành viên trong gia đình luôn nơm nớp lo sợ, bất an. Các thành viên trong gia đình luôn trong tình trạng sẵn sàng chạy lụt. Giếng nước không sử dụng được, công trình nhà ở bị sụt lún, nứt, cuộc sống đảo lộn hoàn toàn, gia đình luôn sống trong tình trạng lo lắng, bất an khi mà các công trình xây dựng, trong đo có công trình nhà ở chính xuống cấp nhanh chóng do bị ngập, úng nước”.

Bà Phan Thị Thanh bên căn nhà đang xuống cấp nghiêm trọng - Ảnh: Đại Dương

Đến thời điểm hiện tại, giữa các hộ dân và Hội đồng giải Phóng mặt bằng huyện vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, việc san lấp cũng chưa được thực hiện, chưa đưa ra được phương án đền bù, hỗ trợ nào thấu tình, đạt lý nhất, đảm bảo được quyền lợi, cũng như là ổn định cuộc sống về lâu dài cho người dân.

Trao đổi nhanh với phóng viên, ông Hà Văn Chung - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thành cho biết: “Công trình thủy điện thực tế đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến mọi mặt đối với người dân. Về phía UBND xã cũng rất muốn giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan cho người dân, xã đã báo cáo cấp trên để có hướng xử lý phù hợp nhất. Việc đền bù cho người dân cần sát với thực tế hơn, linh động hơn, không nên cứng nhắc, đắc biệt là đối với việc người dân bị ảnh hưởng đến công trình nhà ở, các công trình phụ trợ, vì ngoài các vấn đề công trình hư hỏng, xuống cấp cần sữa chữa, nâng cấp thì còn nhiều các chi phí khác phát sinh”.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức của tỉnh Thanh Hóa cần có phương án tổng thể về việc đền bù, hỗ trợ cho người dân một cách thấu tình, đạt lý nhất để đảm bảo ổn định đời sống cho người dân về lâu dài, hạn chế những rủi ro không mong muốn khi mà các công trình, trong đó có công trình nhà ở ngày càng xuống cấp, đặc biệt đây là thời điểm giữa mùa mưa bão đang diễn ra với những tình huống phức tạp và khó lường.

Theo https://thuonghieuvaphapluat.vn/thanh-hoa-can-co-phuong-an-den-bu-cho-nguoi-dan-mot-cach-thoa-dang-d48036.html

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer