(THPL) - Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu Cục QLTT các tỉnh biên giới kiểm soát hàng hóa nhập lậu; Cục QLTT các tỉnh trong nội địa tập trung kiểm tra hàng hóa tại các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ dân sinh…
Mới đây, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh ký ban hành Kế hoạch số 09/KH-TCQLTT về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Kế hoạch được ban hành nhằm tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại; chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp Tết để tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường, nhất là đối với các mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2024. Đặc biệt, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thông qua công tác thông tin tuyên truyền.
Tại kế hoạch, lãnh đạo Tổng cục QLTT yêu cầu Cục Nghiệp vụ QLTT sẽ tiếp tục đôn đốc các đơn vị thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025; Chủ động nắm chắc địa bàn và tình hình diễn biến thị trường; kịp thời nhận diện các vấn đề mới nổi cộm, phức tạp để tham mưu Lãnh đạo Tổng cục chỉ đạo kiểm tra, xử lý, nhất là các đối tượng/vụ việc vi phạm liên tỉnh, quy mô lớn; Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, hỗ trợ kịp thời về chuyên môn nghiệp vụ, nhân lực cho Cục QLTT các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch này.
Đối với Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là Cục QLTT tại các tỉnh biên giới, Lãnh đạo Tổng cục yêu cầu các đơn vị cần phối hợp với lực lượng chức năng như Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Thanh tra chuyên ngành, Kiểm dịch động vật,.. tổ chức kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng hóa nhập lậu, hàng hóa vận chuyển trái phép từ khu vực tuyến biên giới đường bộ, đường biển vận chuyển vào thị trường nội địa tiêu thụ; Rà soát, giám sát chặt chẽ các kho tàng, bến bãi, điểm tập kết hàng hóa tại khu vực cửa khẩu, chợ biên giới.
Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cũng đặc biệt lưu ý đến các mặt hàng, lĩnh vực trọng điểm. Cụ thể, tại tuyến biên giới phía Bắc, các mặt hàng cần đặc biệt lưu ý gồm: gia súc, gia cầm, nội tạng động vật, pháo nổ, hàng điện tử, vải, quần áo, giày dép, đồ trang trí Tết,.... Tại tuyến biên giới Miền Trung - Tây Nguyên: đường cát, rượu, bia, nước giải khát, pháo nổ, hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng.... Đối với tuyến biên giới Tây Nam: đường cát, thuốc lá điếu, xăng dầu, hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng, quần áo đã qua sử dụng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, pháo nổ...
Đối với Cục QLTT các tỉnh, thành phố trong nội địa, Tổng cục QLTT cũng yêu cầu tập trung công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tại các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ chuyên doanh, chợ dân sinh, các tuyến phố buôn bán, các cơ sở sản xuất; chú trọng kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân dịp Tết Nguyên đán; Phối hợp với các lực lượng chức năng và Cục QLTT các tỉnh biên giới phòng ngừa, ngăn chặn hàng hóa vi phạm vận chuyển từ tuyến biên giới đường bộ, đường biển, đường hàng không vào thị trường nội địa tập kết, tiêu thụ; Phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường công tác thu thập thông tin, thẩm tra xác minh, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử...
Kế hoạch được triển khai bắt đầu từ ngày 20/11/2023 đến hết ngày 29/02/2024.
Thời gian qua, lực lượng QLTT các địa phương liên tục phát hiện các vụ hàng hoá vi phạm. Cụ thể tại Quảng Bình, Đội Quản lý thị trường số 7, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình đã chủ trì, phối hợp với phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh tiến hành đón dừng, kiểm tra xe ô tô tải mang biển kiểm soát 34C-338.83 do ông Phạm Viết Tuyển (sinh năm 1979, có địa chỉ tại thôn Phúc Tân, xã Gia Tân, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) điều khiển, phát hiện trên xe vận chuyển lô máy móc, thiết bị đã qua sử dụng nhập lậu.
Qua khám phương tiện, phát hiện trên xe vận chuyển 01 chiếc xe nâng hiệu MITSUBISHI, 10 cái máy đầm đất hiệu Mikasa, 03 cái máy nén khí trục vít hiệu HITACHI, TANABE, 02 bộ pa lăng cáp điện hiệu MEIDEN, ISK. Tất cả hàng hóa trên đều đã qua sử dụng, sản xuất tại Nhật Bản, không có hóa đơn, chứng từ để chứng minh tính hợp pháp, bị coi là hàng hóa nhập lậu. Trị giá tang vật ước tính gần 200 triệu đồng.
Tại TP.HCM, ngày 07/11/2023, Đội QLTT số 4, Cục QLTT Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra Hộ kinh doanh K.T trên địa bàn Phường Cầu Ông Lãnh, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện 730 đơn vị sản phẩm, là đèn led, đèn trang trí, không ghi xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ. Đội QLTT số 4 đã tiến hành niêm phong, tạm giữ toàn bộ hàng hóa nêu trên để xử lý theo quy định.
Nằm ở vị trí trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh, Quận 1 là địa bàn trọng điểm, nơi tập trung các tuyến phố du lịch, trung tâm thương mại, điểm trung chuyển, nơi chứa trữ, bày bán, kinh doanh tại các loại mặt hàng đa dạng về chủng loại, giá cả… Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các Đội quản lý thị trường thường xuyên chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng nắm tình hình địa bàn, xây dựng, triển khai các phương án, kế hoạch kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng hóa gian lận nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, các website, mạng xã hội, các ứng dụng bán hàng trực tuyến... và các hành vi vi phạm về giá. Chỉ riêng trong quý 3, các Đội Quản lý thị trường đã kiểm tra 114 vụ trên địa bàn Quận 1, trong đó có 105 vụ vi phạm về các hành vi kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ ... Đã xử phạt với số tiền hơn 2,1 tỷ đồng, tạm giữ 15.609 đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm, trị giá hơn 2,1 tỷ đồng.
Theo https://thuonghieuvaphapluat.vn/tong-cuc-qltt-trien-khai-dot-cao-diem-chong-buon-lau-hang-gia-dip-tet-2024-d63867.html