(CLO) Tòa án nhân dân TP. Thủ Đức đưa ra những nhận định trái ngược hoàn toàn với nhận định của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. HCM trong quyết định giám đốc thẩm, cũng như trái ngược với nhận định của tòa mình trước đó để tuyên bản án.
Ngày 26/4/2022 và 5/5/2022, Tòa án nhân dân TP. Thủ Đức đưa vụ án tranh chấp hợp đồng hợp tác giữa Công ty Cổ phần Đức Mạnh (Công ty Đức Mạnh - Đà Nẵng) và Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Tân Việt An (Công ty Tân Việt An - TP. HCM) xét xử sơ thẩm lại theo Quyết định giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. HCM (QĐ số 18/220/KDTM-GĐT, ngày 29/5/2020).
Trong quá trình xét hỏi, Hội đồng phiên xét xử đưa ra những nhận định để quyết định tuyên án. Bản án đã làm nhiều luật sư bất ngờ bởi sự khuất tất đến mức khó hiểu. Trái ngược với nhận định của quyết định giám đốc thẩm. Đặc biệt, trái ngược hoàn toàn với nhận định của Hội đồng xét xử do chính Tòa án nhân dân quận 2 (nay là TP. Thủ Đức) mở phiên sơ thẩm ngày 18/9/2017.
Yêu cầu bồi thường gấp đôi
Theo nội dung vụ án, ngày 09/12/1998 Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 1101/QĐ-TTg giao cho Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Trường Thịnh (Công ty Trường Thịnh) làm chủ đầu tư Dự án khu nhà ở cán bộ công nhân viên và người lao động tại phường Bình An, Quận 2 (nay là phường An Khánh, TP. Thủ Đức, TP. HCM). Dự án sau đó được UBND Quận 2 duyệt quy hoạch 1/500.
Năm 2002, Công ty Trường Thịnh và Công ty Tân Việt An ký hợp đồng hợp tác, góp vốn thực hiện dự án trên. Tuy nhiên, do khó khăn về tiền mặt, Công ty Trường Thịnh đồng ý cho Công ty Tân Việt An tìm đối tác liên doanh xây dựng các tòa nhà chung cư cao tầng (C1, C2 và C3). Sau khi xây dựng, Công ty Tân Việt An được hưởng thụ 2 Tòa chung cư C1, C2 và được phân chia theo tỷ lệ góp vốn đầu tư của mỗi bên.
Ngày 21/6/2010, Công ty Tân Việt An và Công ty Đức Mạnh ký Hợp đồng hợp tác đầu tư số 01/HTĐT/TVĐM (sau đây gọi tắt là HĐ-01), góp vốn đầu tư xây dựng 2 Tòa nhà chung cư C1 và C2 với tổng giá trị hợp đồng gần 207 tỷ đồng, chi phí này bao gồm giá trị sử dụng đất, giá trị quyền phát triển, chi phí đầu tư cải tạo, xây dụng cơ sở hạ tầng; đã bao gồm thuế. Trong đó, Công ty Tân Việt An góp hơn 41 tỷ đồng tương đương với 20% và Công ty Đức Mạnh góp hơn 165 tỷ đồng tương đương với 80%.
Theo HĐ-01, Công ty Tân Việt An chịu trách nhiệm tài chính và các loại thuế liên quan cho đến khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ). Công ty Tân Việt An cam kết trong vòng không quá 45 ngày kể từ ngày đặt cọc, Công ty Tân Việt An sẽ bàn giao cho Công ty Đức Mạnh toàn bộ hồ sơ pháp lý và bản vẽ thiết kế khu chung cư. Trong vòng 12 tháng kể từ ngày đặt cọc, Công ty Tân Việt An hoàn thành các thủ tục đền bù diện tích đất còn lại của dự án và được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy CNQSDĐ.
Tính đến ngày 6/7/2011, Công ty Đức Mạnh đã chuyển cho Công ty Tân Việt An số tiền 115 tỷ đồng. Do Công ty Tân Việt An chưa được cấp Giấy CNQSDĐ, vì có một phần diện tích đất khoảng 600m trong Lô C1 đang bị tranh chấp nên Công ty Tân Việt An chưa hoàn thành xong công tác bồi thường, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, để bàn giao mặt bằng cho Công ty Đức Mạnh dẫn đến tranh chấp.
Công ty Đức Mạnh khởi kiện ra tòa yêu cầu chấm dứt HĐ-01 với Công ty Tân Việt An, yêu cầu Công ty Tân Việt An hoàn trả số tiền đã nhận là 115 tỷ đồng và bồi thường một khoản bằng số tiền này.
Cả 3 cấp Tòa bác vì không có cơ sở để bồi thường
Tại Bản án sơ thẩm số 14/2017/KDTM - ST ngày 18/9/2017, Tòa án nhân dân Quận 2, TP. HCM nhận định: Công ty Đức Mạnh dù đã cam kết không thể chấp quyền phát sinh từ dự án với Công ty Tân Việt An nhưng thực tế đã sử dụng quyền đối với hai lô C1 và C2 thế chấp bảo đảm khoản vay tại MB Đà Nẵng. Dù khoản vay đã được giải chấp nhưng điều này cũng thể hiện Đức Mạnh không trung thực trong giao dịch với Tân Việt An đồng thời phía Tân Việt An xác định việc thế chấp quyền tài sản đối với dự án cũng là một trong những nguyên nhân để không được cấp Giấy CNQSDĐ cho dự án này là có căn cứ.
Vì thế, TAND Q. 2 quyết định: Chấm dứt HĐ-01 giữa Công ty Đức Mạnh và Công ty Tân Việt An. Buộc Công ty Tân Việt An thanh toán cho Công ty Đức Mạnh số tiền gần 178 tỷ đồng (trong đó bao gồm 115 tỷ góp vốn và tiền lãi theo tỷ lệ ngân hàng).
Ngày 12/6/2018, Tòa án nhân dân TP. HCM tuyên: Buộc Công ty Tân Việt An thanh toán cho Công ty Đức Mạnh số tiền 115 tỷ đồng và gần 63 tỷ đồng tiền lãi, tổng cộng là gần 178 tỷ đồng; không chấp nhận yêu cầu của Công ty cổ phần Đức Mạnh về việc phạt Công ty Tân Việt An số tiền 115 tỷ đồng.
Phiên giám đốc thẩm ngày 29/5/2020, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. HCM cho rằng: Quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty Đức Mạnh có vi phạm về thời hạn thanh toán nhưng được Công ty Tân Việt An chấp nhận gia hạn nên Công ty Đức Mạnh không vi phạm nghĩa vụ thanh toán.
Về tiến độ bàn giao mặt bằng, Công ty Đức Mạnh rằng Tân Việt An vi phạm hợp đồng, vì có một phần diện tích đất khoảng 600m2 trong Lô C1 đang bị tranh chấp và Tòa án đang giải quyết. Tuy nhiên, tại Biên bản bàn giao mặt bằng ngày 14/10/2010, hai công ty thỏa thuận: Một phần diện tích đất thuộc khuôn viên Lô C1 đang tranh chấp tại Tòa án. Đức Mạnh đồng ý rằng khi có bản án giải quyết tranh chấp có hiệu lực pháp luật thì Tân Việt An tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng và bàn giao cho Đức Mạnh.
Như vậy, Tòa án cấp cao xác định: Công ty Đức Mạnh đã chấp nhận việc chậm thực hiện nghĩa vụ của Công ty Tân Việt An, nên việc chậm bàn giao mặt bằng không coi là lỗi của Công ty Tân Việt An.
Về yêu cầu của Công ty Đức Mạnh cho rằng bị thiệt hại do số tiền 115 tỷ đồng mà Công ty Tân Việt An đã nhận là số tiền Công ty Đức Mạnh huy động vay từ các Ngân hàng để chuyển cho Công ty Tân Việt An, Tòa án cấp cao cho rằng cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm xác định Công ty Đức Mạnh bị thiệt hại từ ngày 28/8/2011 (thời hạn cuối cùng hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng) đến ngày 18/9/2017 (ngày xét xử sơ thẩm) là 72 tháng 20 ngày, tương ứng với lãi suất 9%/năm. Vấn đề này, Tòa cấp cao cho rằng không có cơ sở.
Theo Quyết định giám đốc thẩm: căn cứ tài liệu có tại hồ sơ, đủ cơ sở xác định: Hợp đồng giữa hai bên chấm dứt kể từ thời điểm Công ty Tân Việt An nhận được Công văn số 99-14/CV-DMC (tức sau ngày 18/4/2014) và Công ty Tân Việt An có nghĩa vụ hoàn trả lại số tiền 115 tỷ đồng đã nhận của Công ty Đức Mạnh từ thời điểm nhận được công văn này.
Vì các lẽ trên, Tòa án Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. HCM Quyết định: Giao hồ sơ vụ án nêu trên cho Tòa án nhân dân Quận 2, TP. HCM giải quyết sơ thẩm lại theo đúng quy định pháp luật.
Một bản án khó hiểu
Với nhận định vụ án từ tài liệu có tại hồ sơ, quyết định của Hội đồng giám đốc thẩm là hợp lý hợp tình, gần tương đồng quan điểm của HĐXX của 2 cấp tòa sơ phẩm và phúc thẩm, chỉ khác nhau về tính thời gian tính lãi suất. Tuy nhiên không hiểu sao, khi Tòa án nhân dân TP. Thủ Đức đưa vụ án xét xử lại có những nhận định 'lạ' để kết luận: Buộc Công ty Tân Việt An thanh toán cho Công ty Cổ phần Đức Mạnh số tiền là hơn 343 tỷ đồng; cạnh đó lại không chấp nhận yêu cầu của Công ty Đức Mạnh về yêu cầu Công ty Tân Việt An bồi thường 115 tỷ đồng.
Trước bản án 'khó hiểu' của Tòa án nhân dân TP. Thủ Đức, Luật sư Nguyễn Thị Thanh Tú (Đoàn Luật sư TP. HCM) thắc mắc, “Theo tôi hiểu, Bản án sơ thẩm buộc Công ty Tân Việt An phải trả cho Công ty Đức Mạnh số tiền khoảng hơn 343 tỷ đồng bao gồm 115 tỷ tiền Công ty Tân Việt An nhận từ Công ty Đức Mạnh theo Hợp đồng, cộng với 115 tỷ tiền bồi thường và tiền lãi chậm trả 150% lãi suất ngân hàng. Trong khi Quyết định giám đốc thẩm của Toà án cấp cao nhận định việc chậm bàn giao mặt bằng không coi là lỗi của Công ty Tân Việt An nên Tân Việt An không phải bồi thường. Việc xác định trách nhiệm bồi thường phải căn cứ vào lỗi và thiệt hại thực tế xảy ra (xác định tổn thất vật chất thực tế) và phải tính được giá trị thiệt hại. Trong khi Đức Mạnh không chứng minh có thiệt hại và thiệt hại cụ thể là bao nhiêu. Vậy căn cứ vào đâu mà Bản án sơ thẩm buộc Tân Việt An phải bồi thường số tiền 115 tỷ?
Mặt khác yêu cầu của Đức Mạnh là Tân Việt An phải bồi thường gấp đôi số tiền đã nhận là (115 tỷ x 2) + trả lại 115 tỷ đã nhận + với tiền lãi chậm trả. Vậy, Tòa căn cứ vào đâu để buộc Công ty Tân Việt An bồi thường 115 tỷ (½ số tiền Đức Mạnh yêu cầu bồi thường) và bác yêu cầu bồi thường 115 tỷ của Công ty Đức Mạnh? Tôi thấy không có cơ sở để Tòa chấp nhận ½ số tiền yêu cầu bồi thường (115 tỷ) của Công ty Đức Mạnh.
“Ngoài ra, trong hợp đồng HĐ-01 có nhiều điểm cần phải phân tích, như Hợp đồng có dấu hiệu vô hiệu; mâu thuẫn về thời gian ký hợp đồng; cả 2 bên đều vi phạm hợp đồng, … cũng cần phải được Tòa án xem xét”, Luật sư Thanh Tú nói.
Theo https://congluan.vn/tp-hcm-can-lam-ro-nhung-khuat-tat-trong-ban-an-cua-toa-an-nhan-dan-tp-thu-duc-post198284.html