(THPL) - Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được các hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp do "mua trôi nổi trên thị trường".
Theo tin từ Tổng cục QLTT, tại căn nhà 5 tầng nằm ở số 2A Lê Niệm, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh, lực lượng Quản lý thị trường đã tốn rất nhiều thời gian thẩm tra, xác minh bởi nghi vấn tại đây chứa trữ, kinh doanh hàng hoá không đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc tiếp cận là không dễ dàng, bởi ngôi nhà thường xuyên trong tình trạng “cửa đóng then cài”, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Đến chiều tối ngày 26/8, một xe máy trong trang phục của grab dừng xe trước cửa, không lâu sau đó, thành viên trong ngôi nhà đã mở cửa và giao cho tài xế một thùng carton nghi chứa hàng, được đóng gói kỹ lưỡng. Chớp lấy thời cơ này, Đoàn kiểm tra gồm thành viên của Cục Nghiệp vụ QLTT (Tổng cục QLTT), đại diện Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Đội QLTT số 2, Cục QLTT TP. HCM và Công an phường Phú Thạnh, quận Tân Phú đã bất ngờ ập vào kiểm tra.
Theo tin từ Cục QLTT TP.HCM, căn nhà thuộc sở hữu của ông Hoàng Đặng Quốc Phong có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM. Trong toàn bộ không gian của căn nhà 5 tầng được chủ cơ sở tận dụng các ngóc ngách còn trống để chứa hàng hoá, chủ yếu là mỹ phẩm tuy nhiên cơ sở lại chưa thực hiện đăng ký kinh doanh mặt hàng này theo quy định.
“Rất khó khăn chúng tôi mới có thể vào kiểm tra địa điểm này bởi nơi đây thường không chứa trữ hàng hoá lâu, hàng được nhập về, cơ sở nhanh chóng tiến hành phân phối sản phẩm theo nhiều hình thức khác nhau. Đặc biệt, ngôi nhà thường xuyên đóng cửa nên lực lượng chức năng gặp khó trong quá trình xác minh thông tin một cách chính xác” một thành viên Đoàn kiểm tra chia sẻ.
Kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng ghi nhận một lượng lớn mỹ phẩm các loại như: dung dịch tẩy da chết, kem trị mụn, kem phục hồi da, kem dưỡng ẩm, sữa rửa mặt, nước hoa Hồng, serum cấp nước dưỡng ẩm phục hồi da, kem dưỡng ẩm trắng da mờ nám, bộ peel thay da sinh học, kem chống nắng… mang thương hiệu Obagi và ZO.
Chủ cơ sở thừa nhận là chủ sở hữu của toàn bộ số mỹ phẩm “ngoại” này nhưng không xuất trình được các hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp do “mua trôi nổi trên thị trường” - ông Phong nói.
Liên quan đến hàng hoá vi phạm, tại Thái Bình, Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT Thái Bình vừa phối hợp với Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu, Công an tỉnh Thái Bình kiểm tra, phát hiện và tạm giữ hơn 4.000 đồ chơi trẻ em không có nhãn hàng hóa và có dấu hiệu vi phạm về nguồn gốc xuất xứ.
Tại Hà Nội, ngày 25/8, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 24 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp với Đội 4 (Phòng Cảnh sát môi trường, Công an thành phố Hà Nội) kiểm tra điểm kinh doanh đường Đồng Tiến, xã La Phù, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội và tạm giữ hơn 500 thùng bánh các loại chưa rõ nguồn gốc xuất xứ.
Theo https://thuonghieuvaphapluat.vn/tphcm-thu-giu-tren-13000-my-pham-cao-cap-obagi-khong-ro-hoa-don-chung-tu-d55203.html