(CLO) Theo HĐXX, việc các bị cáo vắng mặt tại phiên tòa là tự từ bỏ quyền của mình theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Ngoài ra, kết luận điều tra và cáo trạng đều xác định bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 7 bị cáo bị xét xử vắng mặt đều có hành vi sai phạm.
Sau nửa ngày tuyên án, trưa 4/1, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã tuyên án đối với 8 bị cáo đang bỏ trốn, bị truy nã trong vụ vi phạm quy định về đấu thầu, Lợi dụng chức vụ quyền hạn, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, đưa và nhận hối lộ xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị có liên quan. Trong số 8 bị cáo bỏ trốn, bị cáo chủ mưu, cầm đầu Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC) bị tuyên án cao nhất là 30 năm tù.
Theo HĐXX, khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án và khởi tố bị can, 8 bị cáo đã bỏ trốn. Sau đó, cơ quan chức năng đã thông báo và yêu cầu họ ra trình diện để được hưởng chính sách khoan hồng. Khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án đã tống đạt và giao quyết định cho địa phương, niêm yết công khai tại nơi cư trú và thông báo trên các phương tiện truyền thông, kêu gọi 8 bị cáo ra đầu thú để được khoan hồng.
Tuy nhiên đến phiên tòa hôm nay, bị cáo chủ mưu, cầm đầu trong vụ án là Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 7 bị cáo khác vẫn vắng mặt. Riêng bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết gửi bản tường trình xin xét xử vắng mặt và chấp nhận phán quyết của HĐXX.
Cũng theo HĐXX, việc các bị cáo vắng mặt tại phiên tòa là tự từ bỏ quyền của mình theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Tuy nhiên, cơ quan tố tụng đã đảm bảo quyền bào chữa cho họ, tạo điều kiện cho các luật sư bào chữa nghiên cứu hồ sơ và tham gia quyền bào chữa tại phiên tòa. Ngoài ra, kết luận điều tra và cáo trạng đều xác định bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 7 bị cáo bị xét xử vắng mặt đều có hành vi sai phạm.
Những hành vi này có liên quan đến hành vi vi phạm của 28 bị cáo khác có mặt tại tòa. Vì thế, HĐXX có đủ căn cứ xét xử vắng mặt 8 bị cáo đã bỏ trốn, đồng thời sẽ cân nhắc cho luật sư chỉ định, hoặc gia đình các bị cáo bỏ trốn có quyền kháng cáo bản án để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho họ...
Sau khi phân tích, đánh giá hành vi phạm tội của từng bị cáo cũng như áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt:
1. Nguyễn Thị Thanh Nhàn 16 năm tù về tội “Đưa hối lộ”, 14 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Hình phạt chung cho cả hai tội danh là 30 năm tù.
2. Trần Mạnh Hà (cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC) 12 năm tù về tội “Đưa hối lộ”, 13 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Hình phạt chung cho cả hai tội danh là 25 năm tù.
Nhóm các bị cáo phạm tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”:
1. Đỗ Văn Sơn (cựu Kế toán trưởng Công ty AIC) 6 năm tù.
2. Nguyễn Thị Sen (cựu Giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị y tế và môi trường) 30 tháng tù.
3. Nguyễn Thị Tích (Tổng Giám đốc Công ty MOPHA) 4 năm tù.
4. Ngô Thế Vinh (Giám đốc Công ty Nha khoa Việt Tiên) 4 năm tù.
5. Nguyễn Đăng Thuyết (cựu Giám đốc Công ty Thành An Hà Nội) 30 tháng tù.
6. Đỗ Mỹ Hạnh (Chủ tịch HĐQT Công ty Cát Vân Sa) 5 năm tù.
Theo https://www.congluan.vn/tuyen-an-vu-aic-8-bi-cao-bo-tron-la-tu-tu-bo-quyen-cua-minh-theo-quy-dinh-post229789.html