Vấn đề pháp lý trong vụ tiêu hủy 15 con chó của người dân:

Những ngày vừa qua cộng đồng mạng chia sẻ và truyền nhau câu chuyện cùng hình ảnh người đàn ông cùng vợ và chở theo 15 chú chó đi tránh dịch tại một người quen, vượt chặng đường 300km trên chiếc xe cũ kĩ. Tuy nhiên, chuyến đi tránh dịch của 15 chú chó đó cuối cùng lại là một câu chuyện đau lòng khi chúng bị cơ quan chức năng mang đi tiêu hủy sau khi vợ chồng người chủ phải cách ly y tế tập trung. Vụ việc này đã gây nên nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận, vậy về mặt pháp lý thì việc tiêu hủy chó mèo của người dân trong trường hợp này có đúng hay không?

Nguồn ảnh: Internet

Theo thông tin mà báo chí đưa tin, vợ chồng ông Phạm Minh Hùng đi xe máy từ Long An về Cà Mau, mang theo một đàn chó số lượng lớn.  Về đến Cà Mau, vợ chồng ông được xét nghiệm và dương tính với Covid 19, sau đó được ngành chức năng đưa đi cách ly điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trần Văn Thời. Những người trong khu cách ly và người dân xung quanh phản ánh đàn chó mà vợ chồng ông Hùng mang theo thả rông gây mất vệ sinh, nguy hiểm đến những người xung quanh và lo sợ ảnh hưởng công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh trong khu cách ly tập trung, Ban điều hành tiến hành làm biên bản tiêu hủy 15 con chó, 1 con mèo phía trước ngoài khu cách ly trước sự chứng kiến của người dân phía ngoài khu cách ly và những người trong khu cách ly.

Việc cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau thực hiện tiêu hủy 15 chú chó đã tạo lên một làn sóng dư luận và những câu hỏi về tính pháp lý cũng như những căn cứ nào để thực hiện hành động đó. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định nào cụ thể về vấn đề tiêu hủy chó, mèo do dịch Covid 19, do đó các địa phương thường xử lý theo tình hình của từng địa phương. Ví dụ: Ở Tp.Hồ Chí Minh những người đi cách ly có nuôi thú cưng có thể gửi vật nuôi cho người thân, người quen để chăm sóc trong thời gian đi cách ly y tế.

Riêng đối với vụ việc tại Cà Mau, mặc dù hậu quả cũng đã xảy ra, nhưng để xem xét tính đúng sai trong quyết định của cơ quan chức năng thì cần làm rõ những vấn đề sau:

  1. Những con chó có phải vật nuôi gây lây lan dịch bệnh hay có nguy cơ làm lây dịch qua người khác hay không?
  2. Vấn đề pháp lý được đặt ra với chủ nhân của những con chó, khi vận chuyển số lượng lớn như vậy có vi phạm quy định của pháp luật hay không?

Vấn đề 1.

Hiện nay trên thế giới cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp động vật bị nhiễm Covid, đa số những con vật này bị nhiễm sau khi ở gần chủ hoặc người chăm sóc bị nhiễm Covid. Bộ y tế cũng đã khuyến cáo người bị nhiễm Covid không nên ở gần vật nuôi và những vật nuôi ở trong gia đình, trong nhà của người bị mắc bệnh phải được quản lý chặt chẽ không cho tiếp xúc với những loại vật nuôi.

Bên cạnh đó cũng có nhiều bằng chứng cho thấy virus corona có thể lây lan sang động vật. có thể lây nhiễm COVID-19 từ chó, mèo khi người mắc COVID-19 trong quá trình chăm sóc có thể ho, hắt hơi, lây dính giọt bắn mang mầm bệnh lên lông, da của chó, mèo. Người không mắc bệnh khi ôm ấp vật nuôi thì có thể lây dính virus lên tay, sau đó đưa lên mũi, miệng và có thể lây nhiễm COVID-19; hoặc lông chó, mèo có mang virus có thể lây dính lên các đồ vật khác và người lành sờ, nắm vào có nguy cơ lây bệnh.

Vấn đề 2:

Vấn đề pháp lý trong trường hợp này là cơ sở để xác định xem hành vi tiêu hủy 15 con chó đó của cơ quan chức năng có thực sự cần thiết hay không. Trách nhiệm, nghĩa vụ của người nuôi chó có thể xác định theo thông tư 07 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn.

Theo Luật thú y, việc hai vợ chồng chở bầy chó nuôi 15 con về quê (đi từ tỉnh này qua tỉnh khác) phải có kết quả kiểm dịch động vật, xuất trình với cơ quan thú y địa phương về sổ tiêm phòng bệnh cho chó đầy đủ…

Nếu như có hành vi vi phạm từ chủ của những chú chó trên thì người chủ có thể bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y và việc tiêu húy những chú chó được coi là biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Khoản 1 Điều 28 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012: “ Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại

Tuy nhiên trong mọi trường hợp xử lý vật nuôi đều cần có ý kiến của chủ số động vật nuôi đó. Trong trường hợp tiêu hủy 15 chú chó trên cơ quan chức năng tiêu hủy nhưng không nêu ra được đầy đủ các căn cứ mà chỉ nêu ra việc tiêu hủy là cần thiết khi lo ngại những con chó có thể là nguồn lây bệnh cho những người đang cách ly tại trung tâm y tế vì vậy hành động đó gây ra nhiều những ý kiến trái chiều.

Nếu như dựa vào quan điểm “lo ngại những con chó là nguồn lây bệnh cho người khác” thì cơ quan chức năng có thể căn cứ vào điểm c khoản 4 Điều 12 Nghị định 117/2020 xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế quy định: Phạt tiền 20-30 triệu đồng đối với một trong các hành vi như đưa ra khỏi vùng có dịch thuộc nhóm A những hàng hóa khác có khả năng lây truyền bệnh dịch. Mà theo điểm a Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, Quyết định 173/2020 ngày 1-2-2020 và Quyết định 07/2020 ngày 26-2-2020 của Thủ tướng thì bệnh COVID-19 được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm A. Đồng thời, Nghị định 117/2020 cũng quy định buộc tiêu hủy các động vật có khả năng lây truyền dịch bệnh được đưa ra khỏi vùng dịch trái phép.

Tuy nhiên, việc có căn cứ pháp lý cho vấn đề tiêu hủy những chú chó không đồng nghĩa với việc cơ quan chức năng huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) đã thực hiện đúng quy trình, thủ tục của pháp luật. Thứ nhất, cơ quan chức năng cần có tài liệu khẳng định chó mèo là trung gian có khả năng lây truyền dịch bệnh Covid 19. Thứ hai, cơ quan có thẩm quyền cần phải đưa ra quyết định xử phạt hoặc quyết định buộc tiêu hủy đàn chó theo đúng quy định luật đã đề ra.

Rõ ràng, việc lo lắng của nhứng cán bộ địa phương giữa tình hình dịch bệnh căng thẳng là điều tốt, tuy nhiên hiện nay chưa có quy định nào về việc xử lý tiêu hủy chó mèo do dịch Covid nên nếu chỉ đưa ra sự nhận định chủ quan, ý chí của cá nhân vì nghĩ rằng chó mèo có thể là trung gian lây lan dịch bệnh mà thực hiện hành vi tiêu hủy thì chưa đủ căn cứ và cơ sở để thực hiện hành động đó. Chó mèo là động vật gần gũi, thân thiết với con người nên cần có hướng dẫn cụ thể từ những cơ quan chuyên môn về việc này để thực hiện một cách thống nhất, tránh những tranh cãi khi có những vụ việc xảy ra tương tự.

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer