(THPL) - Vừa qua, lực lượng QLTT tỉnh Vĩnh Phúc đã phát hiện và tạm giữ gần 12.000 sản phẩm là quần áo, mũ bảo hiểm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.

Theo tin từ Cục QLTT Vĩnh Phúc, sáng ngày 7/6/2022, Đội Quản lý thị trường số 5 (cơ động), Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành kiểm tra Hộ kinh doanh Nguyễn Thị Thu Hằng, Địa chỉ: Xã Tử Du, Huyện Lập Thạch, Tỉnh Vĩnh Phúc, đang hoạt động kinh doanh và bán hàng online qua các ứng dụng thương mại điện tử.

Qua quá trình kiểm tra phát hiện và tạm giữ 11.521 sản phẩm quần áo, mũ bảo hiểm có dấu hiệu giả mạo, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa gồm 6.915 bộ quần áo trẻ em nhãn hiệu CHANEL; 4.450 chiếc quần đùi nam nhãn hiệu ADIDAS; 156 chiếc mũ bảo hiểm nhãn hiệu HONDA.

Đoàn kiểm tra đã đề nghị Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 5 ban hành quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh, xử lý theo quy định.

 

Lực lượng chức năng kiểm tra số hàng vi phạm. Ảnh: Cục QLTT Vĩnh Phúc

Liên quan đến các vụ hàng hóa vi phạm, mới đây Đội QLTT số 1 (Đội cơ động) Cục Quản lý thị trường Phú Yên phối hợp với Phòng PC03, PC 08 Công an Phú Yên tiến hành dừng và khám phương tiện ô tô tải biển kiểm soát 89C-096.84 đang lưu hành hướng Nam – Bắc, do ông Nguyễn Tiến Đạt, sinh năm 1992 có hộ khẩu thường trú tỉnh Hưng Yên, trực tiếp điều khiển phương tiện.

Qua kiểm tra phương tiện, Đoàn kiểm tra phát hiện trên xe đang vận chuyển 985 chiếc nón bảo hiểm các loại, tại thời điểm kiểm tra tất cả số nón bảo hiểm trên không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Tại Cần Thơ, ngày 2/6, cùng với sự chứng kiến của đại diện Công an phường Xuân Khánh, Đội Quản lý thị trường số 3 thuộc Cục Quản lý thị trường thành phố Cần Thơ đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với địa điểm kinh doanh mỹ phẩm thuộc dãy nhà cạnh số 5/19M đường Mậu Thân, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.

Theo Cục QLTT Cần Thơ, địa điểm kinh doanh mỹ phẩm nêu trên do ông N.V.K, sinh năm 2000 làm đại diện, điểm kinh doanh mỹ phẩm hoạt động không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 3 kiểm đếm hơn 15.000 sản phẩm mỹ phẩm đang bày bán nhưng ông N.V.K chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ, phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm liên quan đến lô hàng. Theo thông tin ban đầu, phần lớn mỹ phẩm là PEEL vi tảo, nhãn hàng LE'PEAU và mặt nạ Rwine beauty cùng một số sản phẩm có tác dụng đặc trị viêm nang lông, mụn lưng, ngực vai dạng chai... Ngay sau đó, Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ và niêm phong toàn bộ hàng hóa nêu trên để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.

Tại Bình Thuận, trong ba ngày liên tiếp kể từ ngày 31/5/2022 đến 2/6/2022, qua công tác thực hiện nghiệp vụ quản lý địa bàn, Đội QLTT số 1 - Cục Quản lý thị trường Bình Thuận đã kiểm tra tạm giữ gần 4.000 đơn vị sản phẩm thực phẩm, thực phẩm chức năng và phụ kiện điện thoại các loại không có hóa đơn chứng từ.

Theo https://thuonghieuvaphapluat.vn/vinh-phuc-tam-giu-gan-12000-san-pham-gia-mao-nhan-hieu-d53310.html

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer