Trong phiên xét xử vụ án liên quan đến sai phạm tại cao tốc TP.HCM - Trung Lương, qua đánh giá vai trò của từng bị cáo, Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng (cựu Bộ trưởng Bộ GTVT) 10-11 năm tù; bị cáo Đinh Ngọc Hệ (Út "trọc") án chung thân.

Các bị cáo nghe luận tội tại phiên tòa.

Hôm nay (18/12), tại phiên xét xử án liên quan đến sai phạm dự án cao tốc TPHCM - Trung Lương, đại diện Viện Kiểm sát qua nhiều ngày xét hỏi nêu quan điểm về luận tội. Theo đó, VKS đã phân tích, đánh giá vai trò của từng bị cáo.

 

Theo đại diện VKS, với vai trò Bộ trưởng Bộ GTVT, là người đứng đầu được giao quản lý tài sản trong đó có quyền thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương tại Bộ Giao thông vận tải, bị cáo Đinh La Thăng đã ký văn bản đề nghị tiếp tục tìm kiếm đối tác để bán quyền thu phí. Bị cáo cũng nắm rõ các quy định của pháp luật về quản lý tài sản Nhà nước. Tuy nhiên, với động cơ cá nhân, bị cáo Thăng đã giới thiệu công ty của Đinh Ngọc Hệ là công ty kinh doanh thua lỗ, không có năng lực tài chính mua quyền thu phí. 

Trong phiên xét xử này, bị cáo Thăng không thừa nhận có mối quan hệ với Hệ, không giới thiệu Hệ tham gia đấu giá quyền thu phí. Tuy nhiên, đại diện VKS cho rằng có đủ căn cứ xác định bị cáo Thăng đã có hành vi như cáo trạng truy tố. Bị cáo Thăng phải chịu trách nhiệm là người đứng đầu Bộ GTVT trong việc sai phạm xảy ra tại cao tốc TPHCM – Trung Lương. 

Bị cáo Đinh La Thăng bị đề nghị từ 10 đến 11 năm tù.

VKS cũng cho biết, trong quá trình công tác, bị cáo Thăng có nhiều đóng góp, được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen nên cần xem xét giảm nhẹ hình phạt. 

Cụ thể, VKS đề nghị phạt bị cáo Đinh La Thăng 10-11 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí), và tổng hợp với các bản án khác. Đồng thời miễn áp dụng hình phạt bổ sung cho bị cáo này. 

Đối với bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc", cựu phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn Bộ Quốc Phòng); VKS xác định, Đinh Ngọc Hệ đã thành lập nhiều công ty giao người thân, họ hàng đứng tên. Các công ty kinh doanh thua lỗ, không có năng lực tài chính, năng lực kinh nghiệm để đủ tư cách tham gia đấu thầu, đấu giá, liên kết. Hệ đã chỉ đạo cấp dưới làm giả hồ sơ để đủ năng lực đấu giá, trúng đấu thầu quyền thu phí cao tốc. Sau khi có được quyền thu phí, bị cáo chỉ đạo dùng phần mềm Xuân Phi can thiệp vào hệ thống phần mềm của Bộ GTVT, báo cáo doanh thu thu phí về công ty Cửu Long, xóa dữ liệu, chứng từ kế toán thu phí thực tế để chiếm đoạt 725 tỉ đồng.

Đinh Ngọc Hệ cũng thực hiện loạt hành vi gian dối, thủ đoạn với thủ đoạn tinh vi. Là một quân nhân, bị cáo thành lập một loạt công ty giao người khác đứng tên không minh bạch, rạch ròi để lừa đảo chiếm đoạt tiền Nhà nước. Do đó, VKS đánh giá bị cáo Hệ có vai trò chính, chịu mức hình phạt cao nhất so với các bị cáo đồng phạm.

Bên cạnh đó, bị cáo Đinh Ngọc Hệ còn ngoan cố, quanh co trong khai báo. Bị cáo có tình tiết tăng nặng dùng thủ đoạn tinh vi và không có tình tiết giảm nhẹ. Hệ còn tận dụng tối đa các mối quan hệ mình để trục lợi cho bản thân. Cụ thể là được mua được giá rẻ tại số 164 Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân (Hà Nội) hưởng lợi hơn 3 tỉ...

VKS đề nghị Tòa tuyên phạt bị cáo Đinh Ngọc Hệ tù chung thân về hai tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”. Về trách nhiệm dân sự, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Đinh Ngọc Hệ phải bồi thường toàn bộ số tiền lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 725 tỷ đồng và số tiền trục lợi từ việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn đối với người khác hơn 3,4 tỷ đồng. Từ đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX tiếp tục duy trì kê biên, phong tỏa các tài sản của bị cáo Hệ để đảm bảo thi hành án.

Về phần bị cáo Nguyễn Hồng Trường (cựu thứ trưởng Bộ GTVT) bị đề nghị 6-7 năm tù. Các đồng phạm thuộc cấp mức án 3-6 năm tù.

VKS xác định, bị cáo Trường là người đứng đầu trong việc bán đấu giá quyền thu phí. Bị cáo biết rõ quy định Nhà nước, quyền thu phí cao tốc là TPHCM – Trung Lương là tài sản đặc thù, có giá trị lớn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bị cáo Trường biết bị cáo Thăng và Hệ có mối quan hệ thân thiết, xuất phát từ sự cả nể cấp trên, cấp dưới nên bị cáo Trường đã có nhiều hành vi trái pháp luật tạo điều kiện cho công ty Yên Khánh chiếm đoạt tài sản. Khi công ty Yên Khánh vi phạm hợp đồng thì bị cáo Trường đã thống nhất cùng cấp dưới không chấm dứt hợp đồng. 

Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc") bị đề nghị án chung thân.

Quá trình điều tra và xét xử, bị cáo Trường thành khẩn khai báo, quá trình công tác có nhiều đóng góp cho xã hội, gia đình có công với cách mạng nên xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt. 

Đối với các bị cáo viết, cài đặt phần mềm nhằm làm giảm doanh thu, VKS xác định nhóm bị cáo này biết việc viết, cắt đặt phần mềm là để chiếm đoạt tài sản nên phải chịu trách nhiệm với vai trò đồng phạm.

Theo https://congluan.vn/vien-kiem-sat-de-nghi-phat-dinh-la-thang-hon-10-nam-tu-ut-troc-an-chung-than-post109642.html

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer