(THPL) - Công an TP Cần Thơ đã kê biên nhiều tài sản thế chấp của bị can Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân trong quá trình 5 năm điều tra vụ án. Nhằm thu hồi nợ, ngân hàng Agribank Cần Thơ đã nhiều lần có văn bản đề nghị Công an TP Cần Thơ giải toả kê biên tài sản thế chấp để phát mãi. Tuy nhiên, đề nghị này của ngân hàng không được đáp ứng, khiến cho món nợ ngày càng phát sinh thiệt hại rất lớn cho cả ngân hàng và bị can.
Vì sao không giải tỏa kê biên theo đúng quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14?
Theo tài liệu, tính đến ngày 16/6/2016 (thời điểm khởi tố vụ án) dư nợ gốc và lãi của các khoản vay của những công ty liên quan tới bị can Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân cùng tổ chức, cá nhân khác tại Agribank Cần Thơ là hơn 682 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến ngày 31/08/2018, tổng dư nợ gốc và lãi của các khoản vay đã là hơn 821 tỷ. Đến thời điểm hiện tại, vụ án đã bị kéo dài gần 5 năm chưa được giải quyết dứt điểm khiến ngân hàng chưa thể xử lý thu hồi số tiền nợ rất lớn. Còn các bị can thì đang từng ngày phải gánh chịu những khoản lãi phát sinh, gắn chặt với trách nhiệm hình sự đang có nguy cơ phải đối diện, dù có muốn trả vẫn không đủ khả năng.
Liệu rằng tổ chức phát mãi tài sản thì Agribank Cần Thơ có thể thu được nợ gốc và nợ lãi theo hợp đồng tín dụng đã ký? Để trả lời vấn đề này, PV đã có cuộc làm việc với ông Phan Huy Phong, Trưởng ban Pháp chế Agribank Cần Thơ.
Ông Phong cho rằng hiện tại phía ngân hàng cũng chưa xác định được thiệt hại từ các khoản vay liên quan tới bị can Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân và tổ chức, cá nhân khác. Nếu được giải toả kê biên thì khả năng thu hồi đủ cả gốc và nợ lãi phát sinh của ngân hàng sẽ rất lớn. Theo Hợp đồng tín dụng, ông Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân đã thế chấp tài sản đảm bảo cho khoản vay gồm nhiều đất và tài sản trên đất. Gồm: siêu thị Miền Tây – Citimart số 51 Nguyễn Trãi, Ninh Kiều; thửa đất số 260A, số 12 Nguyễn Trãi, Ninh Kiều, thửa đất số 508 và công trình xây dựng trên đất (tài sản của ông Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân) tại KDC 91B, Ninh Kiều, Cần Thơ… Trong quá trình điều tra, Công an TP Cần Thơ đã kê biên hàng loạt tài sản thế chấp của ông Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân, Công ty Tây Nam và các công ty, cá nhân khác.
Suốt năm năm qua, Agribank và Agribank Cần Thơ đã có nhiều công văn (văn bản số 124/NHNo-CT-KHND, ngày 02/03/2021; Công văn số 2344/NHNo-PC ngày 12/3/2021, văn bản số 171/ NHNo-CT-KHND ngày 23/03/2021, gửi VKSND TP Cần Thơ …) gửi Cơ quan An ninh điều tra – Công an TP Cần Thơ khẳng định, các khoảng ông Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân vay là các khoản vay có bảo đảm bằng tài sản và “với thực trạng hoạt động và tài sản thế chấp cũng như các tài sản hiện có của Công ty Tây Nam, Agribank Cần Thơ có thể thu được nợ gốc và nợ lãi theo hợp đồng tín dụng đã ký – trích công văn số 2203/NHNo-PC ngày 25/03/2016”. Đồng thời, ngân hàng này đề nghị Công an Cần Thơ giải toả kê biên tài sản để ngân hàng phát mãi tài sản nhằm thu hồi nợ xấu. Phía Agribank Cần Thơ cho rằng quy trình xử lý nợ này được thực hiện theo đúng quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14, Chỉ thị số 32/CT-TTg của Thủ tướng và Chỉ thị số 06/CT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Nếu ngân hàng không bị thiệt hại?
Làm việc với phóng viên, Luật sư bào chữa cho bị can Lê Thanh Hải (nguyên Giám đốc Agribank Cần Thơ), ông Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư Thành phố Cần Thơ) cho rằng tội “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng xảy ra tại Agribank Cần Thơ” chỉ cấu thành khi có hậu quả xảy ra. Trong vụ án này, tài sản thế chấp bảo đảm cho các khoản vay của ông Nhân cao hơn số tiền được vay, và nếu Công an TP Cần Thơ chấp thuận giải toả kê biên để thực hiện phát mãi thì số tiền thu về sẽ thừa đủ trả tiền vay và lãi phát sinh.
Với tình cảnh hiện nay của vụ án thì chính phía ngân hàng và các bị can, doanh nghiệp mới là chủ thể đang phải chịu thiệt hại. Hệ luỵ của việc kéo dài thời gian điều tra sẽ khiến số lãi phát sinh qua từng ngày sẽ rất lớn và phía ngân hàng, doanh nghiệp, bị can cũng hoàn toàn không muốn sự việc bị kéo dài.
Cũng theo luật sư Nguyễn Văn Đức, “việc kéo dài vụ án là việc cơ quan tiến hành tố tụng nhưng lại đem lãi để áp trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân khác là bất hợp lý. Hiện tại, sau 5 năm điều tra, số tiền lãi còn phát sinh cao hơn tiền gốc, và rõ ràng, đây không phải lỗi của các bị can tạo ra nên không thể bắt họ chịu.
Nên chăng, các Cơ quan tố tụng của Cần Thơ nên thực hiện theo Điều 14, Nghị quyết 42/2017/QH14, hoàn trả vật chứng trong vụ án hình sự là tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo đề nghị của bên nhận bảo đảm là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng ngoài nước, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu. Quy định pháp luật đã rõ nhưng tại sao phía các cơ quan chức năng tại sao vẫn chưa đồng ý cho giải toả để phát mãi tài sản thu hồi nợ? Hay việc phát mãi thành công, thu hồi cả vốn lẫn lãi cho Ngân hàng sẽ là bằng chứng cho thấy đây là vụ án dân sự và cả 6 bị can trong vụ án này đã thực sự chịu oan suốt 5 năm qua?”
6 bị can có phạm tội “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng”?
Theo luật sư Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân là người đi vay, không làm việc tại Ngân hàng và không phải là người có chức vụ, quyền hạn trong Ngân hàng nên ông Nhân không thể là chủ thể chính trong tội danh “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động tổ chức tín dụng”. Trong khi đó, theo lời Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân ghi trong đơn kêu oan: “Toàn bộ tiền vay và tài sản hình thành từ tiền vay do tôi thụ hưởng, do vậy tôi không thể là đồng phạm giúp sức. Bản thân tôi cũng không giúp sức bằng lời hứa hẹn trong bất kỳ hình thức nào kể cả hứa hẹn về vật chất, che giấu người phạm tội, che giấu các tang, vật chứng hoặc sẽ tiêu thụ các tài sản do phạm tội mà có. Tôi cũng không giúp sức về tinh thần như những chỉ dẫn, góp ý kiến, cung cấp tình hình nghiệp vụ. Việc cho vay hoàn toàn phụ thuộc vào cán bộ Ngân hàng được đào tạo chuyên môn vì tôi không có chuyên môn về lĩnh vực Ngân hàng”.
Hai bị can khác là Phạm Tường Thi (nguyên giám đốc công ty Tân Tiến-PV) và Nguyễn Văn Đạt (cán bộ công ty Tân Tiến-PV) không phải là người đi vay, do đó 2 ông này càng không thể nào thuộc chủ thể và khách thể đồng phạm của tội danh “vi phạm quy định cho vay trong hoạt động tổ chức tín dụng”. Hơn thế nữa, pháp luật càng không có qui định “đồng phạm của đồng phạm”. Vậy người không đi vay lại bị điều tra truy tố theo tội danh “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng” là điều vô lý.
Việc Ngân hàng Agribank Cần Thơ liên tục khẳng định không bị thiệt hại đã chứng minh đây là một vụ án không có bị hại và cả 3 cán bộ của Ngân hàng Agribank Cần Thơ đều có dấu hiệu bị oan sai trong vụ án. Hậu quả thực xảy ra khi hai bên đã thanh lý hợp đồng tín dụng, và tài sản đảm bảo thanh lý không đủ tiền cho vay và lãi suất khiến ngân hàng bị thiệt hại thì đó là hậu quả. Đó mới đúng với quy định của Điều 179 của Bộ luật hình sự năm 1999 “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng”.
VKSND tối cao yêu cầu báo cáo vụ án và giải quyết đơn của ông Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân
Ngày 23/3 và 26/3, VKSND tối cao (Vụ 3 và Vụ 6) đã ban hành 2 văn bản yêu cầu báo cáo về giải quyết Đơn khiếu nại của ông Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân liên quan đến vụ án tín dụng tại Agribank Cần Thơ gây thiệt hại hơn 304 tỉ đồng cho Nhà nước.
Ngày 23/3/2021, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế (Vụ 3) VKSND tối cao đã có Công văn số 1077/VKSTC-V3 yêu cầu VKSND thành phố Cần Thơ báo cáo vụ án và giải quyết đơn của ông Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân. Nội dung đơn của ông Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân khiếu nại về việc bị Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Cần Thơ khởi tố bị can theo Quyết định khởi tố bị can số 11/QĐ ngày 16/6/2016 không có căn cứ, không đúng thẩm quyền và đến nay chưa kết thúc điều tra...
Xét thấy việc giải quyết đơn khiếu nại của bị can Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân thuộc thẩm quyền giải quyết của VKSND thành phố Cần Thơ, Vụ 3 VKSND tối cao chuyển đơn của bị can Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân đến VKSND thành phố Cần Thơ để giải quyết và trả lời người có đơn theo quy định; đồng thời báo cáo Vụ 3 về nội dung và quá trình tiến hành tố tụng đối với vụ án; căn cứ, lý do thay đổi quyết định khởi tố bị can từ tội “Lừa đảo chiếm đoạt tải sản” sang tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” quy định tại Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 1999; các khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong quá trình giải quyết vụ án.
|
Tiếp đó, ngày 26/3/2021, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp (Vụ 6) đã ban hành Công văn số 141/VKSTC-V6 về việc giải quyết đơn khiếu nại của ông Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân gửi đến Viện trưởng VKSND thành phố Cần Thơ.
Công văn nêu rõ, ông Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân khiếu nại Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Cần Thơ đã hình sự hóa quan hệ kinh tế, khởi tố, điều tra tội danh không đúng pháp luật; tuy đã quá thời hạn điều tra, không đủ căn cứ chứng minh hành vi phạm tội nhưng không ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự.
|
Trong đơn, ông Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân đã nêu ra những vi phạm của Cơ quan ANĐT Công an thành phố Cần Thơ như: Xác định không đúng chủ thể của tội danh truy cứu; bị hại không có đơn tố cáo và yêu cầu khởi tố vụ án hình sự; Cơ quan ANDT Công an thành phố Cần Thơ điều tra không đúng với thẩm quyền điều tra theo quy định của Luật tổ chức điều tra hình sự; ... Vụ án hình sự bị điều tra kéo dài hơn 5 năm gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và tinh thần cho ông Nhân và gia đình... Ông Nhân đề nghị Vụ 6 quan tâm, chỉ đạo kết thúc vụ án, đình chỉ điều tra vụ án hình sự và đình chỉ bị can đối với ông.
Xét thấy, những nội dung khiếu nại của ông Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân thuộc thẩm quyền giải quyết của VKSND thành phố Cần Thơ, Vụ 6 VKSND tối cao chuyển đơn của ông Nhân tới VKSND thành phố Cần Thơ để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và báo cáo kết quả cho Vụ 6. Trong quá trình giải quyết, nêu phát hiện có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp thì kịp thời chuyển thông tin về tội phạm cho Cơ quan điều tra VKSND tối cao để phối hợp giải quyết.
Theo https://thuonghieuvaphapluat.vn/vu-an-xay-ra-tai-agribank-can-tho-vu-an-khong-co-bi-hai-d41795.html