(THPL) – Mới đây, VKSND Tối cao đã truy tố Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cùng 13 bị can liên quan đến vụ án Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada xảy ra tại TP.HCM, các tỉnh, thành phố khác và Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế.
Kết quả điều tra đã làm rõ hành vi buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh tại Công ty VN Pharma; các hành vi sai phạm trong việc thẩm định, xét duyệt cấp số đăng ký, không đình chỉ lưu hành thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả nhãn mác Health 2000 Canada tại Cục Quản lý Dược Bộ Y tế và hành vi sai phạm trong việc thông quan thuốc Health 2000 Canada xảy ra tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 4 Cục Hải quan TP.HCM.
Báo VTC News cho hay, đối với hành vi sai phạm của công chức hải quan thuộc Cục Hải quan TP.HCM trong việc thông quan cho thuốc giả nhãn mác Health 2000 Canada, bản cáo trạng nêu rõ: Ngày 26/8/2014, Công ty VN Pharma thực hiện việc đăng ký tờ khai hải quan điện tử trên hệ thống tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 4, Cục Hải quan TP.HCM (theo Hợp đồng giả giữa VN Pharma ký với Austin Hồng Kông).
Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan chấp nhập, tự động cấp số tờ khai và phân luồng kiểm tra mã 2 (luồng vàng). Lê Đình Thanh là công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 4, Cục Hải quan TP.HCM, được phân công kiểm tra hồ sơ hải quan nêu trên.
Tuy nhiên, Lê Đình Thanh đã không kiểm tra, đối chiếu đầy đủ, chặt chẽ nên không phát hiện hồ sơ nhập khẩu thuốc có nhiều thông tin không thống nhất (số lượng thuốc trên hợp đồng mua bán ít hơn số lượng thuốc trên tờ khai hải quan; nhà xuất khẩu là hai công ty khác nhau trên Invoice và Packing list nhưng đều được đóng dấu Health 2000 Canada) để có biện pháp ngăn chặn, xử lý.
Lê Đình Thanh đã xác nhận cho thông quan lô thuốc H2K Ciprofloxacin, trị giá 122.045 USD (quy đổi gần 2,6 tỷ đồng). Lô thuốc trên sau khi nhập khẩu đã được tiêu thụ hết 37.890 hộp trên tổng số 38.500 hộp. Trong đó, tiêu thụ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre 100 hộp, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Cù Lao Minh 160 hộp, Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu 2.630 hộp, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế 17.000 hộp, Công ty Cổ phần Dược Đại Nam Hà Nội 18.000 hộp. 610 hộp còn lại, cơ quan điều tra không thu thập được tài liệu để làm rõ việc tiêu thụ.
Tại cơ quan điều tra, Lê Đình Thanh thừa nhận không làm hết trách nhiệm nên đã xác nhận cho lô thuốc giả nêu trên được thông quan, tiêu thụ tại Việt Nam. Bị cáo Lê Đình Thanh bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Báo Tiền phong thông tin thêm, quá trình điều tra vụ án, ông Trương Quốc Cường đã nộp 1,8 tỷ đồng để khắc phục một phần hậu quả thiệt hại do không đình chỉ lưu hành thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ gây ra. Viện KSND tối cao cho rằng, cần xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho ông Cường vì có nhiều thành tích trong công tác, đang có bệnh phải điều trị tại Bệnh viện.
Các bị can còn lại là nhóm cựu lãnh đạo, cán bộ Cục Quản lý dược và Cục Hải quan TP.HCM đã không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao, không kiểm tra, rà soát việc thẩm định hồ sơ thuốc, không phát hiện và ngăn chặn các sai phạm trong quá trình thẩm định cấp số đăng ký thuốc, dẫn đến các doanh nghiệp dược ký hợp đồng mua thuốc giả nhãn mác Heath 2000, tổng giá trị hơn 148 tỷ đưa vào trong nước tiêu thụ.
Cũng trong vụ án này, bị can Nguyễn Lê Xuân Khang đang bỏ trốn, Cơ quan điều tra đã tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can, khi nào bắt được sẽ xử lý theo quy định pháp luật.
Liên quan đến vụ án trên, theo báo VietNamNet, luật sư Bùi Quang Thu cho rằng, việc cơ quan tiến hành tố tụng xác định bị can Trương Quốc Cường đã ăn năn hối hận và nộp 1,8 tỷ đồng để khắc phục một phần hậu quả có thể coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có trong vụ án này.
Căn cứ tình tiết này, có thể xác định ông Trương Quốc Cường là “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS).
Theo luật sư, cùng với việc bị cáo được tặng nhiều bằng khen của cơ quan nhà nước, các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ xem xét khách quan, toàn diện theo đúng quy định của pháp luật để giảm nhẹ hình phạt cho Thứ trưởng Bộ Y Tế Trương Quốc Cường khi ở phiên tòa xét xử sơ thẩm của vụ án này.
Trước đó, ngày 10-12/2021, ông Trương Quốc Cường đã bị bắt tạm giam với cáo buộc thiếu trách nhiệm để 7 loại thuốc giả nhãn mác nhập về Việt Nam tiêu thụ gây thiệt hại 50,6 tỷ đồng. Qua điều tra, ông Trương Quốc Cường làm Cục trưởng Cục Quản lý Dược giai đoạn 2007-2016, là người chịu trách nhiệm đối với các hoạt động của cục này. Trong đó có nhiệm vụ trình lãnh đạo Bộ Y tế các quyết định liên quan đến việc cấp phép đăng ký thuốc. Quá trình làm việc, ông Cường có hành vi thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định, xét duyệt và cấp số đăng ký đối với 7 loại thuốc giả gắn nhãn Health 2000 Canada; thiếu giám sát, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của nhóm chuyên gia thẩm định và bộ phận thường trực đăng ký thuốc. Sau khi 7 loại thuốc trên được nhập khẩu vào Việt Nam, Nguyễn Minh Hùng và các bị can trong vụ án đã tiêu thụ được lô thuốc giả có tổng trị giá trên 151 tỷ đồng. Ông Cường nhận được thông tin phản ánh thuốc Health 2000 Canada nhập nhằng về nguồn gốc, xuất xứ. Tuy nhiên, bị can đã không chỉ đạo đình chỉ lưu hành, thu hồi để tiêu hủy đối với 7 loại thuốc. |
Theo https://thuonghieuvaphapluat.vn/vu-vn-pharma-cuu-thu-truong-truong-quoc-cuong-da-nop-18-ty-dong-khac-phuc-hau-qua-d50105.html