(CLO) Một thông tin khá bất ngờ, trước phiên tòa phúc thẩm, chị Th. đã có đơn đề nghị rút toàn bộ yêu cầu khởi tố vụ án, rút toàn bộ yêu cầu xử lý trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Lê Quang Huy Phương trong vụ án “bác sĩ hiếp dâm nữ điều dưỡng” từng gây chấn động xứ Huế.

Mới đây, TAND tỉnh Thừa Thiên – Huế mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Lê Quang Huy Phương (SN 1983, trú tại 155 Phạm Văn Đồng, P. Vỹ Dạ, TP. Huế) về các tội “Hiếp dâm” “Bắt giữ người trái pháp luật” “Cố ý gây thương tích”.

vu bac si hiep dam nu dieu duong bi hai rut don co thay doi toi danh cua bi cao hinh 1

Liên quan đến quá trình điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, dù bị cáo Lê Quang Phương chưa thực hiện đầy đủ hành vi giao cấu nhưng tội phạm đã hoàn thành, nên phạm vào tội “Hiếp dâm”.

 Bị cáo Phương không bắt chị Dương Huỳnh Thu Th., nhưng khi Th. bỏ chạy ra ngoài thì bị Phương kéo vào phòng, khống chế không cho về nên phạm tội “Bắt giữ người trái pháp luật”.

 Ngoài ra, cấp sơ thẩm không chấp nhận bản kết luận giám định pháp y về tình dục số 409 ngày 25/9/2019 của Trung tâm giám định pháp y tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhưng chấp nhận một phần bản giám định kết luận pháp y về tổn thương cơ thể số 444 ngày 5/11/2019 (phần tổn thương 2 mắt).

Theo đó, bị cáo Phương đã gây tổn thương cho chị Th. là 31%. Với những chứng cứ cụ thể nói trên, tháng 3/2021, TAND TP. Huế tuyên phạt bị cáo Lê Quang Huy Phương 5 năm tù tội “Cố ý gây thương tích” 1 năm 6 tháng tội “Hiếp dâm” 6 tháng cải tạo không giam giữ tội “Bắt giữ người trái pháp luật”. Tổng hình phạt mà bị cáo Phương phải chấp hành là 6 năm 8 tháng tù giam. Sau phiên tòa, bị cáo lẫn bị hại đều kháng cáo bản án này. 

Liên quan đến việc chị Th. rút toàn bộ yêu cầu khởi tố vụ án, rút toàn bộ yêu cầu xử lý trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Lê Quang Huy Phương. Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP. Hà Nội)  phân tích, Khoản 1 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật Hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết”.

Khoản 2 Điều 155 BLTTHS năm 2015 quy định người đã yêu cầu khởi tố được quyền rút yêu cầu, cụ thể: “Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án”.

Như vậy, theo quy định của pháp luật thì tội “Hiếp dâm” khi người bị hại tự nguyện rút đơn thì cơ quan tố tụng sẽ đình chỉ giải quyết vụ án.

Theo luật sư Cường, tại giai đoạn phúc thẩm, chị Th. vẫn có quyền thực hiện việc rút yêu cầu khởi tố, khi đó tòa án phải đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu này. Còn đối với các yêu cầu khác không rút hoặc không thuộc trường hợp được rút thì tòa án vẫn tiếp tục giải quyết theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình giải quyết vụ án,  Tòa án cũng sẽ xem xét việc rút yêu cầu có bị ép buộc, cưỡng bức hay không để chấp nhận hoặc không chấp nhận việc rút yêu cầu này. Trong trường hợp Tòa án chấp nhận việc rút yêu cầu của người bị hại thì sẽ sửa bản án sơ thẩm để xem xét giải quyết đối với các tội danh còn lại. Luật sư Cường cho biết.

Theo https://congluan.vn/vu-bac-si-hiep-dam-nu-dieu-duong-bi-hai-rut-don-co-thay-doi-toi-danh-cua-bi-cao-post160096.html

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer