(CLO) Đây là nhận định của Luật sư Đặng Văn Cường đối với bản luận tội của Viện kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội đối với 29 bị cáo trong vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội).

Cụ thể, Luật sư Đặng Văn Cường phân tích, vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, các đối tượng rất manh động, phạm tội có tổ chức, hậu quả khiến 3 đồng chí cảnh sát hy sinh.

Tại phiên tòa,  lời khai nhận tội của các bị cáo phù hợp với kết quả điều tra xác minh, kết quả khám nghiệm hiện trường, kết luận giám định pháp y và các chứng cứ thu thập được. Vì vậy Cáo trạng truy tố các bị cáo về tội Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” là có căn cứ. Ngoài ra, nếu có bị caó không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng các tài liệu, chứng cứ có đủ căn cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo đó thì bị cáo đó vẫn sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Bị cáo Lê Đình Công bị VKS đề nghị mức án tử hình.

Về khung hình phạt đối với các bị cáo bị truy tố về tội “Giết người” theo quy định tại khoản 1 Điều 123 BLHS có mức hình phạt từ phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Các bị cáo còn lại truy tố về tội “Chống người thi hành công vụ” theo quy định tại khoản 2 Điều 330 BLHS có mức hình phạt là phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Giết người là tội ác, tội nghiêm trọng nhất trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, thân thể người khác. BLHS quy định nguyên tắc xử lý hình sự là nghiêm trị đối tượng chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, lưu manh, côn đồ, dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả nghiêm trọng……đây là yếu tố để HĐXX cân nhắc định lượng hình phạt.

Quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án, cơ quan tố tụng sẽ làm rõ hành vi cụ thể của từng bị cáo, xác định đồng phạm và cá biệt hóa vai trò đồng phạm của từng bị cáo để có mức hình phạt phù hợp với tính chất, mức độ hành vi…

Vụ án này đối với các bị cáo bị truy tố về tội danh “Giết người” với nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự như giết từ hai người trở lên, có tính chất côn đồ, với người thi hành công vụ, vì lý do công vụ của nạn nhân...

Vì vậy, đối với những bị cáo chủ mưu, cầm đầu, thực hành tích cực, ngoan cố chống đối thì có thể sẽ phải chịu mức án cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình. Vì vậy, trong vụ án “Giết người” tại xã Đồng Tâm, Viện kiểm sát  đề nghị mức án tử hình đối với Lê Đình Công, Lê Đình Chức là đúng người, đúng tội, đúng với quy định của pháp luật.

Đối với những bị cáo còn lại bị Viện kiểm sát truy tố về tội “Giết người” sẽ phải nhận hình phạt tù chung thân, 20 năm tù và tù có thời hạn theo nguyên tắc cá biệt hóa vai trò đồng phạm và trên cơ sở tính chất mức độ hành vi phạm tội, nhân thân của từng bị cáo và các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với từng bị cáo.

Bị cáo Lê Đình Chức bị VKS đề nghị mức án tử hình.

Với những bị cáo đã thành khẩn thừa nhận hành vi phạm tội của mình, lời nhận tội phù hợp với các tài liệu chứng cứ đã được làm rõ tại phiên tòa, phù hợp với lời khai của người làm chứng và các bị cáo khác, thì HĐXX sẽ đủ căn cứ để kết tội bị cáo. Nếu bị cáo đủ căn cứ kết tội mà thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, nhân thân tốt thì có thể sẽ được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Còn đối với những bị cáo quanh co chối tội, chưa thực sự thành khẩn, nhân thân xấu, vai trò tích cực thì sẽ phải chịu mức án nghiêm khắc hơn.

Mức hình phạt cụ thể đối với từng bị cáo sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Hình phạt với từng bị cáo có thể sẽ khác nhau để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật cũng như để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội, tạo điều kiện cho các bị cáo cải tạo, giáo dục để trở thành người tốt, sống có ích cho xã hội.

Vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại xã Đồng Tâm là bài học cho những ai coi thường pháp luật, ảo tưởng vào sức mạnh của mạng xã hội, cố tình rủ rê, lôi kéo, kích động người khác thực hiện hành vi phạm tội…

Đồng thời cũng là bài học cho các cấp chính quyền trong công tác quản lý đất đai cũng như trong việc giải quyết các mâu thuẫn về tranh chấp về đất đai. Cùng với đó là cán bộ để xảy ra sai phạm cũng đã bị xử lý bằng các chế tài nghiêm minh của pháp luật.

Theo https://congluan.vn/xet-xu-vu-dong-tam-vks-de-nghi-tu-hinh-doi-voi-2-bi-cao-cam-dau-la-dung-nguoi-dung-toi-post96142.html

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer