Trong bối cảnh pháp luật về môi trường ngày càng được hoàn thiện và siết chặt, việc xin cấp lại giấy phép môi trường là thủ tục bắt buộc đối với nhiều tổ chức, doanh nghiệp khi có sự thay đổi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc khi giấy phép cũ hết hạn. Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành Quyết định số 973/QĐ-BNNMT ngày 18/4/2025 nhằm hướng dẫn quy trình cấp lại giấy phép môi trường, đặc biệt là tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh – nơi trực tiếp xử lý phần lớn các hồ sơ trong thực tiễn.
Bài viết này sẽ cung cấp thông tin tổng quan về đối tượng và cập nhật trình tự, thủ tục cấp lại giấy phép môi trường tại UBND cấp tỉnh theo hướng dẫn mới năm 2025, giúp doanh nghiệp và cá nhân nắm rõ để thực hiện đúng quy định pháp luật, tránh rủi ro pháp lý phát sinh.
Ảnh minh họa (nguồn:Internet)
1. Phân biệt cấp đổi, cấp điều chỉnh và cấp lại giấy phép môi trường
Giấy phép môi trường là một văn bản pháp lý quan trọng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép xả chất thải ra môi trường, quản lý chất thải, nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất kèm theo yêu cầu. Đồng thời, đi kèm với những yêu cầu và điều kiện cụ thể về bảo vệ môi trường mà tổ chức, cá nhân phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 44 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, tùy vào tính chất và mức độ thay đổi liên quan đến dự án đầu tư hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh, việc xử lý giấy phép môi trường sẽ được thực hiện dưới các hình thức là cấp đổi, cấp điều chỉnh hoặc cấp lại. Việc phân biệt rõ ba hình thức này giúp chủ đầu tư và cơ sở thực hiện đúng thủ tục hành chính, từ đó bảo đảm tính hợp pháp trong quá trình hoạt động và tránh vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.
Cấp đổi giấy phép môi trường
Cấp đổi được áp dụng trong trường hợp có thay đổi về tên gọi của dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, hoặc thay đổi chủ dự án đầu tư, cơ sở. Trong những tình huống này, nội dung hoạt động và các yếu tố kỹ thuật – môi trường không thay đổi, do đó chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm tiếp tục thực hiện giấy phép môi trường. Đồng thời, phải thông báo cho cơ quan cấp phép môi trường biết để được cấp đổi giấy phép, đảm bảo tính chính xác của văn bản.
Cấp điều chỉnh giấy phép môi trường
Giấy phép môi trường được xem xét điều chỉnh trong thời hạn của giấy phép khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Thay đổi nội dung cấp phép môi trường theo đề nghị của chủ dự án đầu tư, cơ sở hoặc theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp phải cấp lại; Hoặc dự án đầu tư, cơ sở có thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại hoặc nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất sau khi kết thúc quá trình vận hành thử nghiệm để phù hợp với năng lực hoạt động thực tế.
Cấp lại giấy phép môi trường
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 30 Nghị định số 05/2025/NĐ-CP, giấy phép môi trường được cấp lại trong các trường hợp sau đây:
- Giấy phép hết hạn
Khi giấy phép môi trường đến thời điểm hết hiệu lực, chủ dự án hoặc cơ sở có trách nhiệm nộp hồ sơ xin cấp lại trước khi giấy phép hết hạn ít nhất 6 tháng để đảm bảo duy trì hoạt động theo đúng quy định pháp luật.
- Thay đổi làm gia tăng quy mô, công suất hoặc công nghệ sản xuất
Nếu dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có thay đổi tăng quy mô, công suất sản xuất, thay đổi công nghệ sản xuất như đối với trường hợp quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 27 Nghị định 05/2025/NĐ-CP dẫn đến làm gia tăng tác động xấu đến môi trường quy định tại khoản 5 Điều 27 Nghị định này, thì thuộc diện phải cấp lại giấy phép. Trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 27 Nghị định 05/2025/NĐ-CP hoặc thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường.
- Bổ sung ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường
Đối với các sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp đang hoạt động, nếu bổ sung ngành, nghề thu hút đầu tư thuộc danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 05/2025/NĐ-CP, thì bắt buộc phải cấp lại giấy phép môi trường trước khi triển khai ngành nghề mới.
- Các thay đổi khác có thể làm gia tăng tác động xấu đến môi trường
Ngoài các trường hợp nêu trên, nếu có những thay đổi khác làm gia tăng tác động xấu đến môi trường, thì cũng bắt buộc phải cấp lại giấy phép. Những thay đổi này bao gồm:
“Tăng từ 10% lưu lượng nước thải, bụi, khí thải làm gia tăng thải lượng các thông số ô nhiễm về chất thải ra môi trường; thay đổi vị trí xả trực tiếp nước thải sau xử lý vào nguồn nước có yêu cầu cao hơn về quy chuẩn xả thải; bổ sung phương pháp tự tái chế, xử lý, đồng xử lý chất thải bằng công nghệ, công trình bảo vệ môi trường, thiết bị sản xuất sẵn có; bổ sung hoạt động đồng xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải rắn sinh hoạt để thực hiện dịch vụ xử lý chất thải; thay thế hoặc bổ sung công trình, hệ thống, thiết bị tái chế, xử lý chất thải; bổ sung loại chất thải nguy hại (trừ trường hợp bổ sung loại chất thải nguy hại có tính chất tương tự với chất thải nguy hại đã được cấp phép) đối với cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại; bổ sung loại, tăng khối lượng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; bổ sung loại phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; bổ sung trạm trung chuyển chất thải nguy hại; thay đổi công nghệ của hệ thống, công trình xử lý nước thải, bụi, khí thải, trừ trường hợp bổ sung thêm thiết bị hoặc công đoạn xử lý; giảm quy mô hoặc không xây lắp công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường của hệ thống xử lý nước thải.”
2. Thẩm quyền cấp lại giấy phép môi trường của UBND cấp tỉnh
Căn cứ Khoản 3 Điều 41 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, thẩm quyền cấp lại giấy phép môi trường được phân định rõ ràng giữa các cấp, nhằm đảm bảo công tác quản lý môi trường được thực hiện đúng quy mô và mức độ tác động của từng loại hình dự án. Trong đó, trừ các trường hợp thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường/Bộ Quốc phòng/Bộ Công an, Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh là một trong những cơ quan có thẩm quyền cấp lại giấy phép môi trường.
Cụ thể, UBND cấp tỉnh sẽ thực hiện việc cấp lại giấy phép môi trường trong các trường hợp sau:
- Dự án đầu tư nhóm II
- Dự án đầu tư nhóm III nằm trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên
- Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày 01/01/2022 có tiêu chí về môi trường như đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường năm 2022, mà đã được UBND cấp tỉnh hoặc Bộ, cơ quan ngang Bộ phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.
3. Quy trình cấp lại Giấy phép môi trường tại UBND cấp tỉnh năm 2025 theo hướng dẫn mới của Bộ Nông nghiệp và Môi trường
Theo Quyết định số 973/QĐ-BNNMT ngày 18/4/2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, thủ tục cấp lại giấy phép môi trường tại UBND cấp tỉnh được thực hiện theo trình tự, thủ tục sau:
Bước 1. Nộp hồ sơ:
Tổ chức/cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép môi trường đến Cơ quan được giao nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính hoặc Cơ quan được ủy quyền cấp giấy phép môi trường của Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Cơ quan thẩm định cấp phép) theo một trong các hình thức sau:
+ Thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến toàn trình của Cơ quan thẩm định cấp phép đối với trường hợp dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải.
+ Gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính.
Thành phần hồ sơ bao gồm:
- 01 bản chính văn bản đề nghị cấp lại giấy phép môi trường của dự án đầu tư, cơ sở (mẫu quy định tại Phụ lục XIII ban hành kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 56 Điều 1 Nghị định số 05/2025/NĐ-CP).
- 01 bản chính Báo cáo đề xuất cấp lại giấy phép môi trường của dự án đầu tư, cơ sở: + Trường hợp dự án đầu tư nhóm II không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường và dự án đầu tư nhóm III: Mẫu quy định tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 56 Điều 1 Nghị định số 05/2025/NĐ-CP.
+ Trường hợp cơ sở đang hoạt động: Mẫu quy định tại Phụ lục X ban hành kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 56 Điều 1 Nghị định số 05/2025/NĐ-CP.
Bước 2. Kiểm tra hồ sơ:
Cơ quan thẩm định kiểm tra tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ theo quy định của pháp luật.
Bước 3. Thẩm định hồ sơ:
Thẩm định hồ sơ sau khi nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ. Căn cứ kết quả thẩm định của hội đồng thẩm định hoặc kết quả của đoàn kiểm tra, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường xem xét, cấp giấy phép môi trường cho dự án đầu tư, cơ sở trong trường hợp đủ điều kiện cấp giấy phép môi trường hoặc có văn bản thông báo trả hồ sơ cho chủ dự án đầu tư, cơ sở và nêu rõ lý do trong trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy phép môi trường.
Bước 4. Phê duyệt
Cơ quan thẩm định ban hành giấy phép môi trường hoặc có văn bản thông báo không phê duyệt kết quả cấp giấy phép môi trường (trong đó nêu rõ lý do kèm các nội dung yêu cầu bổ sung, làm rõ) trong trường hợp hồ sơ chưa được chỉnh sửa, bổ sung đầy đủ theo ý kiến kết luận của hội đồng thẩm định/đoàn kiểm tra. Cơ quan thẩm định có trách nhiệm công khai trên cổng thông tin điện tử quyết định phê duyệt kết quả cấp lại giấy phép môi trường của tổ chức, cá nhân.
Bước 5. Trả kết quả
Tổ chức, cá nhân nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo thời gian, địa điểm ghi trên giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả trực tiếp tại Cơ quan thẩm định cấp phép cấp tỉnh; thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đối với trường hợp dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải) của Cơ quan thẩm định cấp phép hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia (địa chỉ https://dichvucong.gov.vn).
Thời hạn cấp lại giấy phép môi trường:
+ Tối đa 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 43 Luật Bảo vệ môi trường.
+ Tối đa 20 (hai mươi) ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, trong trường hợp việc tiếp nhận và trả kết quả cấp lại giấy phép môi trường được thực hiện trên môi trường điện tử thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến toàn trình của cơ quan cấp phép đối với dự án đầu tư, cơ sở không thuộc đối tượng phải vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải và khi có yêu cầu của chủ dự án đầu tư.
Lưu ý: Thời gian phân tích mẫu chất thải của cơ quan cấp phép và thời gian hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép môi trường của chủ dự án đầu tư, cơ sở không tính vào thời hạn cấp lại giấy phép môi trường.
Liên hệ ngay với đội ngũ Chuyên viên, Luật sư uy tín của chúng tôi để được giải đáp thắc mắc và tư vấn giải pháp gỡ vướng kịp thời.
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Tp. Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com