Bạo lực học đường từ lâu đã trở thành vấn nạn trong xã hội hiện đại và cũng là nỗi sợ hãi của bất cứ vị phụ huynh nào có con đang ở độ tuổi đến trường. Đặc biệt khi hậu quả của những vụ việc bạo lực học đường trong thời gian gần đây ngày càng nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của những học sinh mà nó còn đẩy nhiều em đến những quyết định dại dột như từ bỏ mạng sống của mình. Mỗi khi một vụ việc bạo lực học đường có hậu quả đau lòng xảy ra, người ta lại tiếc thương, và rồi lại tự hỏi: “Có biện pháp nào thật sự mạnh tay để ngăn chặn và trừng phạt những kẻ bạo lực học đường hay không? Chẳng lẽ vì kẻ bắt nạt chưa đủ tuổi xử lý hình sự mà có thể được bỏ qua mọi sai lầm như thế?”. Thực tế, pháp luật đã có nhiều quy định ngăn chặn bạo lực học đường, thậm chí hành vi bạo lực học đường khiến nạn nhân tự tử còn bị xử lý hình sự nhưng nó vẫn xảy ra hàng ngày, hàng giờ và không có dấu hiệu suy giảm.
Khái niệm bạo lực học đường được giải thích theo quy định tại Nghị định 80/2017/NĐ-CP là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập (khoản 5 Điều 2).
Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng quy định, 2 hành vi học sinh không được làm khi tham gia học tập tại trường là xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác, học sinh khác; và đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng (Điều 37).
Đối với học sinh khi có hành vi bạo lực học đường tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi, học sinh vẫn có thể sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi bạo lực cấu thành tội phạm.
Hiện nay, Bộ luật Hình sự không có quy định về tội danh bạo lực học đường mà sẽ căn cứ vào mặt khách quan của tội phạm và hậu quả xảy ra để xác định tội danh, hình phạt. Cụ thể, hành vi lăng nhục, xúc phạm, tẩy chay,.... thậm chí cả những hành vi bạo lực về mặt thể chất khiến nạn nhân tự tử sẽ bị xử lý hình sự về tội Làm nhục người khác theo quy định tại khoản 3 Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi điểm e khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017).
Theo đó, điều luật này quy định:
“1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
…
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Như vậy, với hậu quả “Làm nạn nhân tự sát” thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm. Thực chất mức án này không thể nói là “cao” so với hậu quả của hành vi, tuy nhiên việc một người đi đến quyết định tự sát không chỉ do hành vi bắt nạt của người khác mà còn do ý chí cá nhân của chính người đó. Hành vi bắt nạt là nguyên nhân sâu xa nhưng để xảy ra hậu quả tự sát thì quyết định nằm ở chính nạn nhân. Nếu như nạn nhân không tự sát thì hành vi bắt nạt sẽ không bị xử lý hình sự với tội danh này.
Trong những vụ bắt nạt học đường mà hậu quả là nạn nhân tự tử, “hung thủ” khi đó mới chỉ là vị thành niên, vì vậy, trách nhiệm hình sự đối với nhóm đối tượng này cũng phải xem xét dựa trên độ tuổi khi thực hiện hành vi phạm tội.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015, học sinh từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác. Tuy nhiên, mức hình phạt đối với nhóm này nhẹ hơn tội phạm trưởng thành.
Cụ thể, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định (Khoản 1 Điều 101 Bộ luật Hình sự 2015). Như vậy, dù bị truy cứu về tội Làm nhục người khác theo khoản 3 Điều 155 nêu trên thì người phạm tội đang ở tuổi vị thành niên, từ 16 đến dưới 18 tuổi chỉ phải chịu mức hình phạt tù từ 18 tháng đến 3 năm 9 tháng.
Đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều sau đây:
a) Điều 143 (tội cưỡng dâm); Điều 150 (tội mua bán người); Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi);
b) Điều 170 (tội cưỡng đoạt tài sản); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 173 (tội trộm cắp tài sản); Điều 178 (tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản);
c) Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy);
d) Điều 265 (tội tổ chức đua xe trái phép); Điều 266 (tội đua xe trái phép);
đ) Điều 285 (tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật); Điều 286 (tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 287 (tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 289 (tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác); Điều 290 (tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản);
e) Điều 299 (tội khủng bố); Điều 303 (tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia); Điều 304 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự).
Như vậy, người dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác, dù hậu quả gây ra có thể khiến nạn nhân tự tử.
Tuy nhiên, dù pháp luật không xử lý nhưng gia đình và nhà trường vẫn phải kết hợp giáo dục, thay đổi nhận thức cho con em của mình. Bởi vì nếu không sửa đổi suy nghĩ, tính cách thì thói côn đồ, bắt nạt kẻ yếu sẽ còn tiếp diễn, đến khi đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, pháp luật sẽ không bỏ qua cho những kẻ phạm tội.
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com