Tôi muốn hỏi một vấn đề như sau: Chồng tôi là bị cáo trong một vụ án cướp giật tài sản. Chồng tôi cùng 3 người khác dàn dựng cảnh để giật túi xách của một chị, khiến chị đó ngã ra đường và bị xe khác tông phải. Chị đó bị thương rất nặng. Chồng tôi bị bắt cùng 2 người nữa, một người còn lại hiện vẫn đang bỏ trốn. Trong thời gian bị tạm giam, chồng tôi mất do bệnh lao phổi. Tôi muốn hỏi đến khi đưa ra xét xử thì việc bồi thường cho người bị hại chồng tôi có phải bồi thường khi đã chết không? Hiện tại căn nhà tôi và con đang sống được mua khi hai vợ chồng đã kết hôn nên nếu phải bồi thường, tôi sợ căn nhà này sẽ phải bán đi mất.
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:
Việc thực hiện bồi thường cho người bị hại trong trường hợp của chồng bạn là nghĩa vụ tài sản do người chết để lại. Theo quy định tại Điều 615 Bộ Luật Dân sự 2015, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được quy định như sau:
- Những người hưởng thừa kế tài sản đó có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại
- Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
- Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận
- Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.
Như vậy, dù chồng bạn đã chết nhưng nếu có tài sản để lại thì tài sản đó vẫn được xử lý để thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho người bị hại. Khi đó, những người thừa kế của chồng bạn (bạn, con trai, cha mẹ chồng nếu còn sống) sẽ phải tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Đây là vấn đề được giải đáp tại Công văn số 206/TANDTC-PC ngày 27/12/2022 của Tòa án nhân dân tối cao thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong công tác xét xử:
“2. Bị cáo là đồng phạm trong một vụ án. Trong giai đoạn xét xử, bị cáo chết. Bị cáo có tài sản riêng để bồi thường thiệt hại. Tòa án có đưa những người thừa kế tài sản của bị cáo đã chết vào tham gia tố tụng để giải quyết phần trách nhiệm dân sự không? Nếu có thì xác định tư cách tham tố tụng của những người này như thế nào? Khi tuyên án về nghĩa vụ bồi thường thiệt hại của bị cáo theo hướng buộc những người thừa kế của bị cáo phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do bị cáo để lại trong phạm vi di sản hay chỉ cần tuyên buộc các đồng phạm còn lại có trách nhiệm liên đới bồi thường và tách yêu cầu hoàn trả của các đồng phạm (đã thực hiện nghĩa vụ liên đới thay cho bị cáo đã chết) đối với những người thừa kế tài sản của bị cáo để giải quyết thành vụ án dân sự khác?
Trường hợp có thể giải quyết trong cùng một vụ án thì khi giải quyết phần trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại, Tòa án đưa người thừa kế tài sản của bị cáo tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Khi thực hiện nghĩa vụ bồi thường, căn cứ Điều 615 Bộ luật Dân sự, người thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại.
Trường hợp, không thể giải quyết trong cùng vụ án hình sự thì Tòa án buộc các đồng phạm còn lại có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại. Căn cứ quy định tại Điều 30 Bộ luật Tố tụng hình sự, Tòa án tách vụ án dân sự (giải quyết nghĩa vụ bồi thường giữa các bị cáo khác và người thừa kế của bị cáo) theo thủ tục tố tụng dân sự.”
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com