Tôi muốn hỏi về trường hợp của anh trai tôi, trong quá trình làm việc do tính cẩu thả và chủ quan nên đã vô tình làm bị thương 2 người công nhân làm cùng. Gia đình của 2 anh công nhân đó đã làm đơn kiện yêu cầu công an xử lí. Trường hợp của anh tôi như vậy thì có thể bị truy cứu hình sự không và nếu nhà 2 anh công nhân kia rút đơn kiện thì anh tôi có được trả tự do không?

Nguồn ảnh: Internet

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Đối với trường hợp của anh trai bạn thì bạn cần cung cấp thêm thông tin về việc trong quá  trình làm việc kia anh bạn có vi phạm quy tắc nghề nghiệp đề dẫn đến việc gây thương tích cho 2 người công nhân kia hay không? Trong vụ việc này anh trai bạn mắc lỗi vô ý (do cẩu thả hoặc quá tự tin), hành vi do lỗi vô ý đó đã gây ra hậu quả là thương tích cho 2 người công nhân, để có thể yêu cầu khởi tố hình sự thì cần xác định được tỷ lệ % thương tích của 2 người kia là bao nhiêu.

Nếu như anh bạn do vi phạm quy tắc hành nghề với lỗi vô ý mà gây thương tích cho 2 người công nhân kia với tỷ lệ tổn thương cơ thể mỗi người từ 31 đến 60% thì có thể sẽ bị khởi tố về tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính. Theo quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự 2015:

Điều 139. Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính

1. Người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

3. Phạm tội đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trường hợp anh bạn không vi phạm quy tắc hành nghề, chỉ vô ý gây thương tích cho 2 người công nhân kia mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31 đến 60 % thì có thể sẽ bị khởi tố về tội vô ý gây thương tích. Theo quy định tại Điều 138 Bộ luật hình sự 2015:

Điều 138. Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

1. Người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

3. Phạm tội đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

Theo những quy định trên nếu tỷ lệ tổn thương cơ thể của 2 người công nhân từ 31 đến 60% thì anh bạn có thể bị khởi tố hình sự theo Khoản 2 Điều 138 hoặc Khoản 2 Điều 139 Bộ luật hình sự 2015.

Về trường hợp nếu anh bạn bị khởi tố hình sự mà gia đình của 2 bị hại là 2 người công nhân kia chấp nhận rút đơn khởi kiện thì anh bạn có được trả tự do hay không khởi tố hình sự với anh bạn nữa không? Theo quy định tại Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015:

Điều 155. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại

1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

2. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

3. Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.

Nếu bị khởi tố thì anh bạn sẽ bị khởi tố về tội danh tại Khoản 2 của Điều 138 hoặc Điều 139 Bộ luật hình sự 2015 vì vậy không thuộc các trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại nên khi giám định kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể của 2 bị hại thỏa mãn để khởi tố hình sự đối với anh bạn thì gia đình bị hại có rút đơn khởi kiện hay không thì vẫn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, với những thông tin về quy định pháp luật trên có thể giúp xác định được trách nhiệm hình sự anh trai bạn có thể đối mặt, tuy nhiên còn phụ thuộc vào tỷ lệ tổn thương cơ thể của 2 bị hại trong vụ việc thì mới có thể xác định một cách chắc chắn và chính xác hơn được.

 

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer