Giữa tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp như hiện nay, Nhà nước liên tục kêu gọi người dân thực hiện khai báo y tế trung thực khi có các dấu hiệu nghi nhiễm hoặc có tiếp xúc với đối tượng nghi nhiễm dịch Covid. Tuy nhiên, để người dân tự xác định chính xác bản thân thuộc trường hợp F mấy để khai báo với cơ quan chức năng lại không phải việc dễ dàng. Nhằm giải quyết vấn đề đó, Bộ y tế đã ban hành Quyết định số 3638/QĐ-BYT kèm theo văn bản hướng dẫn tạm thời giám sát, phòng chống dịch Covid 19 để áp dụng tại các cơ sở dự phòng, khám chữa bệnh trên toàn quốc. Hướng dẫn tạm thời này được xây dựng cập nhật qua hoạt động thực tiễn với các nội dung giám sát và các hoạt động phòng, chống phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện tại để các tỉnh, thành phố, đơn vị y tế và các đơn vị liên quan căn cứ áp dụng, tổ chức triển khai theo thực tế tại địa phương, đơn vị.
Nguồn ảnh: Internet
Trong văn bản hướng dẫn này đã nêu rõ các khái niệm và quy định khái niệm về F0, F1, F2 và đặc biệt không phải trường hợp nào tiếp xúc với F0 cũng bị coi là F1, cụ thể như sau:
Ca bệnh nghi ngờ
Là người có ít nhất 2 trong số các biểu hiện sau đây: Sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người- mệt mỏi- ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác. Trường hợp thứ 2 là người có kết quả xét nghiệm sàng lọc dương tính với SARS-COV-2 qua test nhanh.
Trong khi tại phác đồ chẩn đoán và điều trị lần 6 của Bộ Y tế cập nhật vào ngày 14.7 vừa qua, khái niệm ca bệnh nghi ngờ mở rộng hơn. Trong đó quy định người bệnh chỉ cần có sốt kèm (hoặc) viêm đường hô hấp cấp tính không lý giải được nguyên nhân. Hoặc các trường hợp có bất kỳ một triệu chứng hô hấp nào và có tiền sử đến/qua/ở/về từ vùng dịch tễ, ổ dịch. Người tiếp xúc với ca bệnh nghi ngờ hoặc F0 đã được xác định mắc COVID-19 trong 14 ngày trước khi khởi phát triệu chứng.
Ca bệnh F0 xác định
Là trường hợp có kết quả xét nghiệm rRT-PCR dương tính tại các cơ sở xét nghiệm khẳng định đã được Bộ Y tế cấp phép. Trước đây, trong phác đồ cập nhật lần 5 ban hành ngày 26.4, Bộ Y tế từng quy định F0 bao gồm cả trường hợp nghi ngờ và trường hợp có xét nghiệm rRT-PCR dương tính. Tuy nhiên, phác đồ lần 6 đã bỏ nội dung đầu.
Trường hợp F1
Là người có tiếp xúc gần trong vòng 2m hoặc trong cùng không gian kín tại nơi lưu trú, làm việc, cùng phân xưởng, học tập, sinh hoạt, vui chơi giải trí… hoặc trong cùng khoang trên phương tiện vận chuyển với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0. Trường hợp F1 được phân thành 2 cấp bậc gồm:
Nếu tiếp xúc với F0 có triệu chứng: Một người chỉ trở thành F1 khi tiếp xúc trong vòng 3 ngày trước khi F0 khởi phát triệu chứng cho đến khi được cách ly y tế. Tiếp xúc trước đó trên 4 ngày đều không được tính. Thời điểm F0 khởi phát bệnh được tính là ngày bắt đầu có triệu chứng bất thường về sức khoẻ theo các dấu hiệu phía trên.
Nếu tiếp xúc với F0 không triệu chứng, chia thành 2 trường hợp. Nếu F0 đã xác định được nguồn lây, một người chỉ trở thành F1 khi tiếp xúc với F0 trong khoảng thời gian từ khi F0 tiếp xúc lần đầu với nguồn lây đến khi được cách ly y tế.
Ví dụ: A. có kết quả khẳng định dương tính với SARS-CoV-2 và chuyển cách ly ngày 1.8. Qua truy vết, A. tiếp xúc với nguồn lây từ ngày 25.7. Một người được xác định là F1 của A. nếu tiếp xúc với A. trong các ngày từ 25.7-1.8.
Nếu F0 chưa xác định được nguồn lây: F1 là người tiếp xúc với F0 trong khoảng thời gian 14 ngày trước khi F0 được lấy mẫu xét nghiệm khẳng định dương tính cho đến khi F0 được cách ly y tế.
Một số nhóm người tiếp xúc gần thường gặp gồm:
- Người sống trong cùng hộ gia đình, cùng nhà, cùng phòng.
- Người trực tiếp chăm sóc, đến thăm hoặc người điều trị cùng phòng với ca bệnh xác định.
- Người cùng nhóm làm việc hoặc cùng phòng làm việc.
- Người cùng nhóm có tiếp xúc với ca bệnh: nhóm du lịch, công tác, vui chơi, buổi liên hoan, cuộc họp, lớp học, cùng nhóm sinh hoạt tôn giáo, cùng nhóm sinh hoạt các câu lạc bộ, trên cùng một phương tiện giao thông…
Trường hợp F2
Là người tiếp xúc gần trong vòng 2 m với F1 trong khoảng thời gian từ khi F1 có khả năng lây nhiễm từ ca bệnh (F0) cho đến khi F1 được cách ly y tế.
Trong phác đồ lần 6, Bộ Y tế xác định F1 trên phạm vi rộng hơn, bao gồm tất cả người tiếp xúc gần tại các cơ sở y tế, bao gồm:
+ Trực tiếp chăm sóc người bệnh COVID-19.
+ Làm việc cùng nhân viên y tế mắc COVID-19.
+ Tới thăm người bệnh hoặc ở cùng phòng bệnh có người bệnh mắc COVID-19.
Ngoài trường hợp tiếp xúc gần ca F0 xác định, F1 cũng được tính ngay cả khi tiếp gần dưới 2m với trường hợp nghi nhiễm; sống cùng nhà với trường hợp bệnh nghi ngờ; làm việc cùng nhóm hoặc cùng phòng với ca bệnh nghi ngờ.
Nếu không nắm rõ được những quy định về khái niệm F0, F1, F2 rất có thể khi khai báo y tế người khai báo sẽ vô tình trở thành người khai báo thiếu trung thực, hành vi không khai báo y tế và khai báo y tế gian dối là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, cụ thể:
Theo Quyết định 219/QĐ-BYT, Covid-19 được liệt kê vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A. Trong đó, mức phạt với các hành vi không khai báo y tế, khai báo y tế gian dối được quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP như sau:
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;
b) Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;
c) Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
Mặt khác, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 240 xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người:
Theo đó, mức phạt của người không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối là phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 01 - 05 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tù từ 05 - 10 năm nếu dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc làm chết 01 người.
Trường hợp dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc làm chết 02 người trở lên, người phạm tội thậm chí còn có thể bị áp dụng mức phạt tù từ 10 - 12 năm.
Hình phạt bổ sung của Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người là phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.
Văn bản hướng dẫn trên giúp cho không chỉ người dân hiểu rõ hơn về các khái niệm liên quan đến nội dung khi khai báo y tế mà còn giúp cho các cơ sở y tế thuận lợi hơn trong việc phân loại các ca nhiễm, nghi nhiễm và những trường hợp cần được cách ly theo dõi một cách phù hợp.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com