Chào Luật sư, em có việc cần tư vấn như sau: Em tư vấn và làm dịch vụ liên quan đến sổ đỏ. Tháng trước, em nhận ủy quyền cầm 2 sổ đỏ của khách hàng để thực hiện thủ tục tách sổ giúp họ. Tuy nhiên, trong quá trình làm thủ tục tách thửa thì em phát hiện khu đó nằm trong quy hoạch và không tách được.
Thời điểm đó em nghe bạn giới thiệu có mối kinh doanh ngon, cần tiền nhập hàng về nên trong lúc nông nổi, em đã không đưa sổ đỏ trả cho chủ đất mà tự ý mang sổ của người ta đi cầm cắm lấy 100 triệu để sử dụng.
Sau đó một thời gian, chủ đất gọi em đòi sổ, rồi họ trình báo lên cơ quan công an. Công an mời em lên lấy lời khai. Sau đó em đã trả lại sổ đỏ cũng như tiền cho bị hại thông qua cơ quan công an. Hiện tại hai người bị hại kia yêu cầu bồi thường thêm cho họ 10 triệu thì họ sẽ viết đơn bãi nại. Xin hỏi, trường hợp họ viết đơn bãi nại cho em thì liệu em còn bị truy tố nữa không?
Trả lời:
Chào bạn. Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt. Về vấn đề của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:
- Căn cứ pháp lý
- Luật Đất đai năm 2013
- Bộ luật hình sự năm 2015sửa đổi, bổ sung năm 2017
- Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021
- Nội dung tư vấn
Dựa theo thông tin bạn cung cấp, bạn đã cầm sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…) để đi làm thủ tục tách thửa cho khách hàng. Nhưng khi tiến hành thủ tục tách thửa, phát hiện việc đất nằm trong quy hoạch, không thể tách được nhưng bạn không đem trả lại cho khách hàng mà tự ý mang sổ đi cầm cố lấy 100 triệu.
Mặc dù Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) không phải là một loại tài sản theo Điều 105 Bộ Luật dân sự năm 2015 (BLDS 2015), nhưng được xác định là “chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất” – Khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013. Do vậy, dù sổ đỏ không phải là một loại tài sản nhưng lại có ý nghĩa quan trọng trong việc ghi nhận quyền của người sử dụng đất đối với tài sản là quyền sử dụng đất.
Theo quy định tại Điều 309 BLDS 2015 thì “cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ”. Vì vậy, Sổ đỏ không phải là một loại tài sản nên không được phép cầm cố. Hơn nữa, bạn nhận được Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất do khách hàng giao cho thông qua hợp đồng ủy quyền thực hiện thủ tục tách thửa => bạn không phải là chủ sử dụng đất nên bạn không được quyền định đoạt đối với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Việc bạn tự ý mang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đem đi cầm cố lấy tiền tiêu xài được xác định là một hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này đang có dấu hiệu của tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bởi khoản 35 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2017 (BLHS 2015 sưả đổi), theo đó:
“Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng
…”
Từ phân tích ở trên cho thấy, với hành vi tự ý mang sổ đỏ của khách hàng đi cầm cố lấy tiền tiêu xài thì bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự, với mức phạt phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Sau khi người bị hại trình báo, bạn đã trả lại sổ đỏ và tiền cho người bị hại, tuy nhiên, đây không được coi là căn cứ loại trừ trách nhiệm hình sự của bạn. Vì theo Điều 155 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2021, Tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Vì vậy, dù người bị hại có viết đơn bãi nại cho bạn hay không thì bạn vẫn bị khởi tố theo quy định. Việc bạn trả lại tiền, và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người bị hại và được họ viết đơn xin bãi nại chỉ được coi là một trong những trình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bạn khi xem xét về hình phạt vì đã có hành vi khắc phục hậu quả.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Vui lòng liên hệ tư vấn và sử dụng dịch vụ của Công ty Luật TNHH Sao Việt tại:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com