Chào luật sư, tôi muốn hỏi về một việc như sau: Cách đây không lâu tôi nhận được cuộc gọi của một người tự nhận là nhân viên của Công ty Shopee, thông báo rằng tôi đã nằm trong danh sách 5 khách hàng may mắn nhận được quà tri ân miễn phí từ hệ thống Sàn thương mại điện tử Shopee.

Sau đó người này cho tôi số của nhân viên chăm sóc khách hàng (CSKH) qua Zalo để tôi liên lạc chọn phần quà trong 30 mẫu quà và có bảo tôi đăng nhập và tham gia nhóm khách hàng trên Telegram, để khi nhận được quà sẽ phản hồi lại.

Trong nhóm tôi tham gia, ngoài việc tổ chức các game đố vui, điểm danh để nhận thưởng thì sau đó còn hướng dẫn làm nhiệm vụ. Theo đó chúng tôi sẽ tạo các đơn hàng ảo trên shopee, chuyển tiền, nhưng không nhận hàng, để sau đó hệ thống sẽ trả lại tiền hàng + 8% tiền hoa hồng/trên mỗi đơn hàng vào lại tài khoản.

Phía người quản lý giới thiệu đây là chương trình tri ân mà Shopee liên kết với Công ty PROVN Việt Nam, cùng các hãng lớn như Panasonic, Samsung… để tổ chức tri ân khách hàng. Bên quản lý còn gửi lại ảnh chụp chứng minh nhân dân của họ cùng Giấy đăng ký kinh doanh của công ty nên đã khiến tôi tin tưởng.

Khi tôi thực hiện nhiệm vụ thì với mấy đơn hàng đầu tiên, tôi đều được trả tiền về.  Nhưng đến mấy đơn hàng sau, giá trị cao hơn (khoảng 20 triệu) thì sau khi tôi chuyển tiền thì hệ thống liên tục báo lỗi, không hoàn lại, và giờ thì họ đã chặn mọi liên lạc với tôi. Lúc này tôi mới biết mình bị lừa. Tôi muốn hỏi, liệu tôi có thể làm gì để lấy được tiền. Rất mong được Luật sư giúp đỡ!

Trả lời:

Chào bạn. Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt. Về vấn đề của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Hiện nay việc mua sắm trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki…ngày càng phổ biến vì sự tiện lợi cho cả người mua và người bán; nhưng cũng là môi trường để các đối tượng xấu lợi dụng uy tín của sàn thương mại để chiếm đoạt tài sản. Trường hợp của bạn cũng tương tự.

Thực tế, việc các sàn thương mại điện tử như Shopee tổ chức các chương trình tri ân, quà tặng, trúng thưởng miễn phí… để “kích cầu” người tham gia không phải là trường hợp hiếm gặp. Tuy nhiên, mỗi sàn thương mại đều có quy định riêng và các chương trình đều được thông báo công khai trên kênh liên hệ chính thức.

Với trường hợp của bạn, các đối tượng đã tiếp cận bạn thông qua các hình thức gọi điện thoại, rồi liên lạc qua mạng xã hội Zalo, Telegram… Rõ ràng đây không phải những kênh liên lạc chính thức của Sàn Thương mại, nhưng lại “mượn danh” sàn thương mại Shopee để tiếp cận bạn cũng như khách hàng khác nhằm tạo sự tin tưởng

Sau đó, những đối tượng này thông qua việc đưa ra mồi nhử là những phần quà nhỏ để lôi kéo và sử dụng các giấy tờ liên quan đến công ty (chưa xác thực) để khiến bạn tin tưởng mà tham gia vào nhiệm vụ tạo đơn hàng ảo trên shopee.

Những đối tượng này đã đánh vào tâm lý “tham lợi” của khách hàng để dùng những “mồi nhử” – là những đơn hàng nhỏ, để khiến bạn và những người khác liên tục chuyển tiền cho chúng, sau đó tìm cách chiếm đoạt tiền của bạn. Thực tế bạn đã bị chiếm đoạt 20 triệu đồng qua các lần giao dịch.

Có thể thấy, hành vi mạo danh sàn thương mại điện tử Shopee cùng với những thủ đoạn tinh vi, từng bước dẫn dắt nạn nhân chuyển tiền, để rồi chiếm đoạt cho thấy dấu hiệu của hành vi lừa đảo có tổ chức của một nhóm người.

Hành vi chiếm đoạt 20 triệu đồng của nhóm đối tượng này có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ Luật hình sự năm 2015, theo đó:

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;    

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

...”       

Hiện nay, các đối tượng này đã chặn liên lạc với bạn, mà bạn cũng không biết họ là ai, vì vậy để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của mình, cũng như ngăn chặn hành vi phạm tội của nhóm người này, bạn nên trình báo sự việc lên Cơ quan công an nơi gần nhất.

Cùng với nội dung trình báo, bạn cần cung cấp thông tin, số điện thoại hoặc tài liệu liên quan đến quá trình tiếp cận và chiếm đoạt của nhóm đối tượng này đối với bạn, cũng như quá trình chuyển tiền… để Cơ quan công an có thêm manh mối xác định người phạm tội.

Số tiền bạn đã bị chiếm đoạt, có thể chưa lấy ngay được. Tuy nhiên, sau này, khi cơ quan có thẩm quyền đã điều tra, xác định được nhóm đối tượng này, thì khoản tiền bạn bị chiếm đoạt có thể được trả lại cho bạn theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự năm 2015, theo đó: “đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản olys hợp pháp”.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer