Xin chào Luật Sao Việt, tôi muốn được tư vấn về vấn đề như sau: Con tôi năm nay 23 tuổi, bị khởi tố về tội Cố ý gây thương tích theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự. Hiện đang bị tạm giam để điều tra. Gia đình tôi muốn đặt tiền bảo đảm để con tôi không bị tạm giam nữa. Cho tôi hỏi là gia đình tôi cần nộp bao nhiêu tiền và thủ tục như thế nào? Mong được giải đáp.
Trả lời:
Chào bạn. Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt. Về vấn đề của bạn, chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn như sau:
Tại khoản 1 Điều 122 BLTTHS 2015 quy định đặt tiền để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ hoặc người thân thích của họ đặt tiền để bảo đảm.
Trong trường hợp này, trước hết Cơ quan cảnh sát điều tra sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can để quyết định có cho gia đình bạn đặt tiền để bảo đảm hay không. Tại Điều 4 Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC quy định về mức tiền đặt để bảo đảm như sau:
“Điều 4. Mức tiền đặt để bảo đảm
1. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án quyết định mức tiền cụ thể mà bị can, bị cáo phải đặt để bảo đảm, nhưng không dưới:
a) Ba mươi triệu đồng đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
b) Một trăm triệu đồng đối với tội phạm nghiêm trọng;
c) Hai trăm triệu đồng đối với tội phạm rất nghiêm trọng;
d) Ba trăm triệu đồng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.”
Theo như thông tin bạn cung cấp, con bạn bị khởi tố về tội Cố ý gây thương tích (khoản 1 Điều 134 BLHS 2015) với khung hình phạt từ phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Đây là loại tội phạm ít nghiêm trọng (theo điểm a, khoản 1 Điều 9 BLHS 2015). Vì vậy, số tiền gia đình bạn phải đặt để bảo đảm là từ ba mươi triệu đồng trở lên. Mức tiền nộp cụ thể sẽ do Cơ quan điều tra của vụ án này quyết định.
Thủ tục đặt tiền để bảo đảm
Căn cứ tại Điều 6, Điều 7, Điều 8 và Điều 9 Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC, gia đình bạn cần làm thủ tục để đặt tiền bảo đảm cho con bạn như sau:
Bước 1: Nộp đơn đề nghị bằng văn bản gửi đến cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý vụ án về việc áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm đối với bị can.
(Các chủ thể có quyền làm đơn đề nghị được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC)
Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ khi nhận được đơn đề nghị và các giấy tờ có liên quan, cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý vụ án có trách nhiệm xem xét các điều kiện và ra thông báo:
Trường hợp 1: Nếu thấy có đủ điều kiện áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC thì ra Thông báo theo mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch trên để làm thủ tục đặt tiền để bảo đảm.
Trường hợp 2: Nếu xét thấy không đủ điều kiện áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm thì phải ra thông báo bằng văn bản cho người đề nghị biết trong đó nêu rõ lý do.
Bước 3: Hoàn thành việc đặt tiền trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Thông báo về việc cho đặt tiền để bảo đảm.
Trong trường hợp vì trở ngại khách quan hoặc lý do bất khả kháng mà không thể hoàn thành việc đặt tiền để bảo đảm đúng hạn thì thời hạn này được tính lại kể từ khi hết trở ngại khách quan hoặc lý do bất khả kháng không còn nữa.
Người nộp tiền đến Kho bạc nhà nước, mang theo Thông báo về việc cho đặt tiền để bảo đảm để Kho bạc Nhà nước kiểm tra và làm các thủ tục nộp tiền vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan điều tra hoặc của Tòa án nhân dân nơi có thẩm quyền xét xử sơ thẩm.
Sau khi hoàn tất thủ tục nộp tiền, Kho bạc Nhà nước trả 01 liên Giấy nộp tiền vào tài khoản kèm Thông báo về việc đặt tiền để đảm bảo cho người nộp tiền.
Bước 4: Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi nhận được liên giấy nộp tiền vào tài khoản tạm giữ Cơ quan điều tra đang tiến hành tố tụng đối với vụ án ra quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm đối với bị can theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC và gửi đến Viện kiểm sát cùng cấp đề nghị phê chuẩn.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi nhận được quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm, công văn đề nghị phê chuẩn và hồ sơ, tài liệu có liên quan của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải quyết định phê chuẩn hoặc không phê chuẩn quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm.
Khi ra quyết định phê chuẩn quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm, Viện kiểm sát phải quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn (hủy bỏ biện pháp tạm giam, thay thế bằng biện pháp đặt tiền để bảo đảm).
Bước 5: Cơ quan điều tra gửi quyết định phê chuẩn đến cơ sở giam giữ
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn.
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com