Chào luật sư! Em trai tôi đang đi làm ở dưới Bắc Ninh. Vừa qua, em tôi có kể là trên đường đi làm về thì nhặt được một chiếc ví da, bên trong có 500 nghìn tiền mặt, một số giấy tờ như chứng minh thư nhân dân, bằng lái xe, 2 thẻ ATM đều mang tên của cùng một người. Do tò mò muốn biết 2 thẻ ATM đó có tiền hay không, em trai tôi đã ra cây rút tiền và nhập mật khẩu là số chứng minh thư nhân dân ghi trên chứng minh thư mà nó nhặt được vào thẻ ATM đó. Mật khẩu này lại trùng khớp với mật khẩu của chủ thẻ nên em trai tôi đã vào được tài khoản của thẻ ATM và rút 5 triệu. Tôi có khuyên em trai tôi là không nên lấy tiền đó và nên tìm người đánh rơi để trả lại họ nhưng nó không nghe. Hiện tôi rất lo lắng, trường hợp người bị hại báo công an và tìm ra người lấy tiền là em trai tôi thì em trai tôi có bị xử lý hình sự không và có thể là về tội gì? Tôi cần khuyên em trai tôi như thế nào?

Hình ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: Internet.

 Trả lời:

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt, dựa trên những thông tin mà bạn cung cấp, chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:

Theo như lời kể của bạn thì khi nhặt được thẻ ATM, em trai bạn không những không tìm người bị mất để trả lại mà còn tra mật khẩu của thẻ và thực hiện hành vi rút tiền từ thẻ ATM đó. Vì vậy, trong trường hơp người mất thẻ phát hiện và báo công an thì em trai bạn có thể bị truy tố về tội trộm cắp tài sản quy định tại Điều 173 BLHS.

“1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.”

Xem xét trong trường hợp này, hành vi của em trai bạn đã thỏa mãn các điểu kiện tại khoản 1 Điều 173 BLHS với mức hình phạt cao nhất là 3 năm tù giam. 

Trường hợp này bạn nên phân tích rõ cho em trai bạn biết việc tự ý dùng tiền trong thẻ ngân hàng của người khác là vi phạm pháp luật. Thẻ ngân hàng tuy không được xem là tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự nhưng số tiền trong thẻ được xác định là tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Chủ thẻ dù có sơ hở trong việc bảo quản thẻ ATM dẫn đến việc làm rơi thẻ nhưng không có nghĩa là họ từ bỏ quyền tài sản (tiền) của mình trong ngân hàng, hành vi của em trai bạn là lợi dụng sơ hở đó để rút tiền của chủ thẻ - có dấu hiệu của Tội trộm cắp tài sản.

Liên quan đến việc định tội danh đối với hành vi chiếm đoạt tiền trong thẻ tín dụng, có quan điểm cho rằng người thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu TNHS về Tội chiếm giữ trái phép tài sản nhưng theo quan điểm của Luật sư Sao Việt, trong trường hợp này, người vi phạm sẽ bị xử lý về Tội Trộm cắp tài sản. Bởi lẽ:

Đối với Tội chiếm giữ trái phép tài sản: Đối tượng của tội danh này là những tài sản không có chủ hoặc chưa có chủ sở hữu hoặc tài sản chưa được phát hiện như tài sản bị đánh rơi, bỏ quên, giao nhầm, tài sản là cổ vật quý hiếm… Hành vi vi phạm: Khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó nhưng cố tình không trả, không giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền mà tiếp tục chiếm hữu, sử dụng tài sản đó

Tuy nhiên trong trường hợp này, người nhặt được thẻ có các thông tin của chủ thẻ như tên chủ thẻ, số thẻ, tên ngân hàng và hoàn toàn có thể ý thức được về việc nhờ ngân hàng trả lại thẻ cho người đã mất. Do đó không đáp ứng yếu tố chưa rõ chủ sở hữu/người quản lý thẻ. Hơn nữa, cần nhấn mạnh rằng đối tượng hướng đến ở đây là số tiền trong thẻ và người phạm tội đã thực hiện hành vi trộm cắp tài sản – lợi dụng sơ hở bị mất thẻ để lén lút chuyển dịch một cách trái pháp luật số tiền của người khác thành của mình - hành vi này làm cho chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản không thể thực hiện được các quyền năng (gồm quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt hay quản lý) đối với tài sản của họ hoặc được giao quản lý, đồng thời những quyền này lại thuộc về người phạm tội và người này có thể thực hiện được các quyền này một cách trái pháp luật.

Trên thực tế, các trường hợp mất thẻ ATM, hầu hết nạn nhân đều sẽ đến trình báo cơ quan công an, do đó em trai bạn nên chủ động tìm người mất thẻ, trả lại số tiền đã rút cho họ để có thể được được xem xét miễn trách nhiệm hình sự trong trường hợp bị truy tố do phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, tự nguyện khắc phục hậu quả và được người bị hại đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.

Để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua:

Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 

E-mail: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer