Chào Luật sư. Ngày 17/7 tôi chứng kiến việc nữ tài xế lái ôto đi lấn làn ở gần giao lộ Nguyễn Xí (phường 25, quận Bình Thạnh). Khi bị đồng chí cảnh sát giao thông dùng gậy chỉ huy gõ vào cửa kính xe nhắc nhở, yêu cầu đi đúng đường người phụ nữ xuống xe với thái độ khá hung hăng. Cho rằng anh CSGT không được đập vào xe mình, chị này liên tục chỉ mặt nam cảnh sát chửi tục, túm gậy, túm cổ áo, xô đẩy... Sự việc khiến giao thông qua khu vực ùn tắc. Vậy Luật sư cho tôi hỏi, hành vi của người phụ nữ trên sẽ bị xử lý như thế nào? Liệu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Tôi xin cảm ơn!
 
Hình ảnh minh họa (Nguồn: ảnh internet)

 
Trả lời:
 
Chào bạn!
Từ những thông tin mà bạn đưa ra, Luật Sao Việt xin có quan điểm tư vấn như sau:
1. Đối với hành vi đi lấn làn đường của người phụ nữ
Hành vi lái xe ôto đi lấn làn của nữ tài xế trên đã vi phạm quy tắc chung của giao thông đường bộ - được quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Giao thông đường bộ 2008. Hành vi trên là vi phạm hành chính và có thể bị xử phạt với mức phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000đồng- theo điểm c khoản 4 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
2. Đối với hành vi chỉ mặt nam CSGT chửi tục, túm gậy, túm cổ áo, xô đẩy...
Không chỉ có hành vi vi phạm quy tắc giao thông, người phụ nữ còn xuống xe với thái độ hung hăng, liên tục chỉ mặt nam cảnh sát trẻ chửi tục, túm gậy, túm cổ áo, xô đẩy... Việc làm này là hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ, xúc phạm người thi hành công vụ.
Tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi người phụ nữ trên có thể bị xử lý vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo khoản 2 Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội... hoặc có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội liên quan đến chống đối, xúc phạm người thi hành công vụ như  "tội Chống người thi hành công vụ tại Điều 257 Bộ luật hình sự 1999 (BLHS)",  hay "tội Làm nhục đối với người thi hành công vụ theo điểm d khoản 2 Điều 121 BLHS".
Ở đây, cũng phải xét đến nguyên nhân gây ra sự bức xúc của người phụ nữ trên. Dù người dân có vi phạm thì việc dùng gậy chỉ huy giao thông đập vào cửa xe cũng không phù hợp với quy định về chức năng chỉ huy, điều khiển, tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của lực lượng cảnh sát giao thông (quy định tại các Thông tư 01/2006/TT-BCA,Thông tư 28/2011/TT - BCA của Bộ Công an).
Tuy nhiên, khi không đồng ý với việc làm của người thi hành công vụ, người dân nên bình tĩnh có kiến nghị hoặc khiếu nại gửi đến Cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý chứ không nên xử lý nóng nảy, chống đối như tình huống nêu trên.
 

Để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, quý khách  vui lòng liên hệ với các Luật sư, Chuyên viên Pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua: 

Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 hoặc 0243 636 7896

 E-mail: saovietlaw@vnn.vn        

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer