Hỏi: Xin chào Luật Sao Việt, tôi muốn được tư vấn về vấn đề như sau: Khoảng đầu tháng 6, khi tôi đang đi bộ trên đường thì bị một nhóm đối tượng lao vào tấn công. Chúng dùng tay, chân đấm đá tôi và dùng mũi giày sút vào người tôi. May mắn lúc đó có người dân xung quanh đã ra can ngăn và kịp thời gọi cho công an khu vực nên chúng lên xe máy bỏ chạy. Tôi được đưa vào bệnh viện huyện để sơ cứu vết thương sau đó chuyển lên viện tỉnh để điều trị, khoảng 1 tuần thì tôi ra viện. 3 ngày sau tôi được công an huyện gọi lên để làm thủ tục giám định thương tích. Tôi nhận được thông báo kết luận giám định với các tổn thương ở tay, bụng và lưng thì tỷ lệ thương tích của tôi là 27%. Tuy nhiên, dạo gần đây tôi có biểu hiện lạ, hay đau đầu, chóng mặt. Tôi đi thăm khám lại thì phát hiện có một vùng máu tụ nhỏ trong não và đang chuẩn bị tiến hành điều trị. Cho tôi hỏi, trường hợp của tôi có thể xin giám định lại không? Và nếu có thì thủ tục như thế nào? Mong được giải đáp.

Ảnh minh họa, nguồn: Internet.

Trả lời:

Chào bạn. Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt. Về vấn đề của bạn, chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn như sau:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 211 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì việc giám định lại được thực hiện trong trường hợp:

“Điều 211. Giám định lại

1. Việc giám định lại được thực hiện khi có nghi ngờ kết luận giám định lần đầu không chính xác. Việc giám định lại phải do người giám định khác thực hiện”

Như vậy, khi có nghi ngờ kết luận giám định lần đầu không chính xác thì mới tiến hành giám định lại.

Tuy nhiên, theo thông tin bạn cung cấp, thương tích vùng đầu là phát hiện mới chưa được giám định. Nếu như bạn không có nghi ngờ về kết luận giám định đối với các thương tích ở tay, bụng và lưng thì trường hợp của bạn có thể yêu cầu giám định bổ sung.

Tại điểm a, b khoản 1 Điều 210 Luật này quy định các trường hợp tiến hành giám định bổ sung như sau:

“Điều 210. Giám định bổ sung

1. Việc giám định bổ sung được tiến hành trong trường hợp:

a) Nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ;

b) Khi phát sinh vấn đề mới cần phải giám định liên quan đến tình tiết của vụ án đã có kết luận giám định trước đó.”

Việc yêu cầu giám định bổ sung được thực hiện như giám định lần đầu và có thể do tổ chức, cá nhân đã giám định hoặc tổ chức, cá nhân khác thực hiện.

Khi đó, bạn cần làm đơn yêu cầu giám định bổ sung gửi tới Cơ quan tiến hành tố tụng. Tùy từng giai đoạn tố tụng mà bạn lựa chọn gửi tới Cơ quan cảnh sát điều tra (giai đoạn điều tra), Viện kiểm sát (giai đoạn truy tố) hoặc Tòa án (giai đoạn xét xử) nơi đang giải quyết vụ án.

Sau khi nhận được đơn yêu cầu giám định bổ sung của bạn, trong thời hạn 07 ngày, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ xem xét và ra quyết định trưng cầu giám định bổ sung (theo khoản 1 Điều 214 BLTTHS 2015). Hoặc trong trường hợp không chấp nhận đề nghị giám định bổ sung của bạn thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ phải thông báo cho bạn bằng văn bản và nêu rõ lý do (theo khoản 4 Điều 214 BLTTHS 2015).

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn.

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer