Tôi tình cờ chứng kiến vụ đánh nhau ở gần nhà nên được công an gọi lên làm chứng, tôi cũng đã có lời khai và ký vào biên bản ghi lời khai của bên công an. Gần đây, tôi nhận được thư mời của tòa với tư cách người làm chứng, nhưng con tôi còn nhỏ tôi không muốn đi. Hơn nữa tôi cũng sợ bị trả thù bởi nhóm bị cáo. Vậy tôi không đến tòa có bị sao không?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng. Bộ luật tố tụng hình sự 2015 cũng quy định quyền và trách nhiệm của người làm chứng tại khoản 3,4 Điều 66 như sau:

“3. Người làm chứng có quyền:

a) Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;

b) Yêu cầu cơ quan triệu tập bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa;

c) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc mình tham gia làm chứng;

d) Được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác theo quy định của pháp luật.

4. Người làm chứng có nghĩa vụ:

a) Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải;

b) Trình bày trung thực những tình tiết mà mình biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và lý do biết được những tình tiết đó.”

Như vậy, đối với trường hợp của bạn, bạn đã được cơ quan tố tụng xác định là người làm chứng thì bạn có các quyền về yêu cầu bảo vệ an toàn và nghĩa vụ phải tham gia làm chứng trong quá trình tố tụng. Khi đã được tòa triệu tập tham dự thì bạn phải chấp hành.

Nếu bạn có con nhỏ không tiện để tham gia phiên tòa nhưng đã có lời khai của người làm chứng đầy đủ và có đơn đề nghị tòa xét xử vắng mặt người làm chứng thì tòa sẽ xem xét. Để có thể xin Tòa xét xử vắng mặt, bạn cần đáp ứng 2 điều kiện là có lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của bạn không gây trở ngại cho việc xét xử.

Việc vắng mặt của bạn tại tòa sẽ do tòa quyết định. Nếu Tòa đã triệu tập bạn đến tòa vì sự bạn vắng mặt của bạn  gây trở ngại cho việc xét xử thì bạn buộc phải đến, nếu không sẽ bị dẫn giải theo quy định pháp luật.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi đối với câu hỏi của bạn. Nếu còn thắc mắc muốn được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer