Chào Luật sư, sự việc của em cũng qua một thời gian rồi, nhưng được sự động viên của gia đình, em muốn kẻ xấu phải chịu hình phạt thích đáng vì hành vi của mình, mong các Luật sư tư vấn cho em. Em xin tóm tắt lại sự việc như sau:

Trong một lần đi chơi, em sơ ý làm mất túi trong đó có toàn bộ điện thoại, tiền nong và giấy tờ, trong người không có tiền, em đã được một anh A cho mượn số tiền 500.000 đồng để bắt xe về nhà, em có xin địa chỉ, số điện thoại của anh đó và hẹn trả lại. Một tuần sau đó, em có hẹn anh A đi uống nước để cảm ơn và trả lại số tiền anh A đã giúp mình, anh A ngỏ ý tới đón em và em đã đồng ý. Em không nghĩ là anh ta lại giở trò đồi bại với em. Do đi một xe nên sau khi uống nước xong, anh ta có bảo đưa em đi hóng gió, càng đi em càng thấy heo hút, không có người linh cảm chuyện không lành, em đòi về nhưng anh A không đồng ý. Đi tới một cánh đồng vắng, anh ta dừng xe và bắt đầu thực hiện hành vi đồi bại của mình, cưỡng ép bắt em quan hệ tình dục bằng miệng với anh ta, mặc cho em có gào khóc xin tha nhưng anh ta vẫn ép. Một lúc sau có người dân gần đó đi qua, em đã la hét, chống cự và nhờ giúp đỡ của họ em bỏ chạy thoát được.

Luật sư cho em hỏi là em có thể kiện anh A tội hiếp dâm không? Và muốn tố cáo thì phải làm như thế nào? 

 

Hình ảnh mang tính minh họa (Nguồn: ảnh internet)

 

Trả lời:

Chúng tôi rất chia sẻ với câu chuyện của bạn là mong bạn bình tĩnh để giải quyết mọi việc theo đúng quy định của pháp luật.

Với câu hỏi của bạn, Luật Sao Việt có quan điểm tư vấn như sau:

Anh A cưỡng ép quan hệ tình dục bằng miệng thì bạn có thể kiện anh ta tội hiếp dâm không?

Trước tiên, theo qui định về tội hiếp dâm tại Điều 111 BLHS: “1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ …”. Như vậy, hành vi “giao cấu” trái với ý muốn của nạn nhân là yếu tố bắt buộc của tội phạm này.

Nhưng hiện tại khái niệm về thuật ngữ “Giao cấu” trong Luật hình sự hiện vẫn chỉ được hiểu theo hướng dẫn tại Bản tổng kết 329/HS2 ngày 11/5/1967 của Tòa án nhân dân tối cao, đó là “sự cọ sát dương vật vào bộ phận sinh dục người phụ nữ (bộ phận từ môi lớn trở vào)…”. Theo đó, việc tiếp xúc giữa dương vật và miệng như bạn nêu trong tình huống trên chưa phải là hành vi “Giao cấu”.

Theo tình tiết bạn mô tả thì sự việc dừng lại anh A bắt bạn quan hệ tình dục bằng miệng, sau đó bạn thoát được. Do vậy, chúng tôi sẽ phân thành hai tình huống, cụ thể như sau:

Trường hợp 1: Nếu người con trai kia có mục đích giao cấu - tức cọ sát dương vật của anh ta vào bộ phận sinh dục của bạn (chứ không chỉ dừng lại ở việc bắt bạn quan hệ với anh ta bằng miệng), thì hành vi của anh ta sẽ phạm tội Hiếp dâm chưa đạt (bởi, như bạn nêu, bạn đã chống cự và chạy thoát được, khiến người đó không thực hiện được tới cùng mục đích phạm tội của mình – đây là nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội). Trường hợp này, người thanh niên đó vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Hiếp dâm ". Hình phạt đối với trường hợp bạn đưa ra được tính theo khoản 3 Điều 52 BLHS cụ thể là: từ 2 năm tù đến không quá ba phần tư mức phạt tù 7 năm mà khoản 1 Điều 111 BLHS quy định.

Căn cứ pháp lý cụ thể: Điều 111 BLHS quy định: một người phạm tội "Hiếp dâm"  khi người đó  “dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ”.

Điều 18 BLHS quy định: “Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những  nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt”.

Khoản 3 Điều 52 BLHS quy định: “ … 3. Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì chỉ có thể áp dụng các hình phạt này trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư  mức phạt tù mà điều luật quy định”

Trường hợp 2: Nếu người con trai kia chỉ có mục đích bắt bạn quan hệ bằng miệng. Ở trường hợp này, cũng có 2 tình huống đặt ra:

- Nếu có đủ căn cứ chứng minh rằng hành vi của anh ta đã xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của bạn thì anh ta có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội “Làm nhục người khác” – quy định tại khoản 1 Điều 121 BLHS: “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai  năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.

- Nếu hành vi của anh ta chưa đủ yếu tố xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của bạn thì anh ta cũng có thể bị xử lý hành chính với mức phạt cảnh cáo hoặc phạt  tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng bởi đã có hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội,  phòng và chữa cháy, phòng, chống bạo lực gia đình:

a) "Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”.

Nếu sự việc được làm rõ, ngoài việc bị xử lý (hành chính hoặc hình sự như đã nói ở trên) thì người thanh niên kia còn phải bồi thường cho bạn những tổn thất về vật chất và tinh thần theo quy định về bồi thường thiệt hại dân sự.

Do vậy, để đề nghị xử lý hành vi đồi bại của người thanh niên kia và bảo vệ quyền lợi của mình, bạn có thể tố cáo hành vi của anh ta tới các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ và xử lý.

Để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, quý khách  vui lòng liên hệ với các Luật sư, Chuyên viên Pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua: 

Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 hoặc 0243 636 7896

 E-mail: saovietlaw@vnn.vn 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer