Chào Luật sư, em muốn hỏi về một việc như sau: Ngày 12/07/2023, chị gái em có vào một tiệm vàng, giả vờ mua một dây chuyền vàng trị giá 45 triệu đồng, và nói với chủ tiệm vàng là sẽ thanh toán bằng chuyển khoản. Tuy nhiên, chị gái em đã không chuyển mà nhân lúc chủ tiệm vàng kiểm tra tài khoản ở điện thoại, chị em đã cầm vàng ra xe bỏ chạy. Sau đó chị em có đem số vàng đó bán cho Tiệm vàng khác được 38 triệu. Đến tối ngày 12/07, chị em nghe được thông tin chủ tiệm vàng đã báo công an và công an đang truy tìm nhờ trích xuất camera nên sáng 13/07, chị em đã tự đến Công an nơi xảy ra sự việc để đầu thú, nộp lại tiền bán vàng để công an thu hồi và trả lại cho chủ tiệm vàng bị mất. Tuy nhiên, bên chủ tiệm vàng không đồng ý bãi nại. Hiện chị em đang được tại ngoại vì có con nhỏ dưới 36 tháng. Cho em hỏi, chị em sẽ phải đối diện với mức án như thế nào, và có thể được hưởng án treo không?
Trả lời:
Chào bạn. Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt. Về vấn đề của bạn chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật hình sự năm 2015
- Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015
- Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP
- Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP
2. Nội dung tư vấn:
Thứ nhất, về tội danh mà chị gái bạn phạm phải:
Mặc dù không dùng vũ lực hay dọa dùng vũ lực để chiếm đoạt số vàng của tiệm nhưng hành vi của chị bạn có tính chất “bất ngờ và nhanh chóng” khiến cho chủ sở hữu không kịp ứng phó và sau đó nhanh chóng tẩu thoát để tránh sự phản kháng của chủ tài sản.
Hành vi của chị bạn đang có dấu hiệu của tội Cướp giật tài sản được quy định tại Điều 171 Bộ luật hình sự năm 2015 (BLHS 2015), cụ thể:
“Điều 171. Tội cướp giật tài sản
1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
g) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
…”
Với giá trị tài sản được xác định là 48 triệu đồng thì căn cứ theo quy định tại Điều 171 BLDS năm 2015 được trích dẫn ở trên, chị của bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt từ 01 – 05 năm tù. Đây là tội danh khởi tố không phụ thuộc vào yêu cầu của người bị hại (Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015), nên dù người chủ tiệm vàng có làm đơn bãi nại/rút yêu cầu khởi tố hay không thì chị của bạn vẫn sẽ bị truy cứu TNHS khi đáp ứng đầy đủ các yếu tố cấu thành của tội phạm.
Thứ hai, khả năng chị gái của bạn có thể được hưởng án treo?
Hiện nay theo quy định tại Điều 65 BLHS năm 2015 và Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP (sửa đổi bởi điểm a khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP) thì người bị kết án phạt tù chỉ được xem xét hưởng án treo khi đáp ứng các điều kiện mà pháp luật quy định, cụ thể:
- Bị xử phạt tù không quá 03 năm
- Đáp ứng điều kiện về nhân thân
Theo đó, người bị xử phạt tù phải là người có nhân thân tốt, ngoài lần phạm tội này thì người phạm tội đã luôn chấp hành các chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân ở nơi cư trú làm việc. Ngoài ra trong trường hợp người bị xử phạt tù là người đã từng bị kết án thì vẫn có thể được xem xét hưởng án treo trong những trường hợp nhất định khi đáp ứng điều kiện mà pháp luật yêu cầu (cụ thể xem tại điểm a khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP)
- Có từ hai tình tiết giảm nhẹ Trách nhiệm hình sự (TNHS) trở lên trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS 2015 và không có tình tiết tăng nặng TNHS quy định tại khoản 1 Điều 52 BLHS 2015.
Trong trường hợp có tình tiết tăng nẶNG TNHS thì số tình tiết giảm nhẹ TNHS phải nhiều hơn tình tiết tăng nặng TNHS từ 02 tình tiết trở lên, trong đó có 1 tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS 2015,
- Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định.
- Tòa án xét thấy không cần phải bắt người phạm tội phải chấp hành hình phạt tù khi người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Vì vậy, trong trường hợp của chị bạn, việc chị bạn có được hưởng án treo hay không còn phụ thuộc vào mức hình phạt/mức án mà Hội đồng xét xử đã tuyên đối với sự việc này. Tuy nhiên, việc chị của bạn chủ động ra đầu thú, giao trả số tiền bán vàng đã chiếm đoạt đã được xác định là một trong những tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại điểm r, điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS 2015. Đồng thời, việc bạn đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi cũng là một căn cứ về nhân thân để xem xét mức án phạt, và cũng có thể hoãn chấp hành hình phạt tù cho chị của bạn.
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com