Chào luật sư tôi muốn hỏi về một việc như sau: Bạn trai tôi hiện đang bị truy tố về tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản theo khoản 2, với số tiền chiếm đoạt khoảng 88 triệu. Tuy nhiên đến nay bạn trai tôi đã trả lại cho bị hại được hơn 60 triệu, còn thiếu khoảng 28 triệu. Bên gia đình bị hại đồng ý sẽ làm đơn bãi nại nếu như bạn trai tôi trả đủ số tiền đã chiếm đoạt. Vậy nếu ny tôi trả đủ tiền đã chiếm đoạt và được gia đình bị hại làm đơn bãi nại thì có được miễn TNHS không? Đồng thời, phiên tòa sơ thẩm tới, ny tôi muốn làm đơn xin hoãn phiên tòa có được không, bởi vì hiện tại ny tôi chưa thu xếp được số tiền còn lại để trả cho bị hại, nên muốn kéo dài thời gian xét xử. Rất mong nhận được sự giúp đỡ của luật sư.
Trả lời:
Chào bạn, cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt. Về vấn đề của bạn, chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật hình sự năm 2015
- Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015
- Bộ luật dân sự năm 2015
2. Nội dung tư vấn:
Dựa trên thông tin mà bạn cung cấp, chúng tôi giải đáp về từng vấn đề mà bạn thắc mắc như sau:
Thứ nhất về vấn đề hoãn phiên tòa:
Điều 290 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS 2015) quy định “bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án trong suốt thời gian xét xử vụ án; nếu vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì bị áp giải, nếu bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa…”.
Như vậy, muốn hoãn phiên tòa thì bạn phải có lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan khác. Trong đó, sự kiện bất khả kháng được hiểu là “sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”; còn trở khách quan được hiểu là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động khiến cho chủ thể không thể biết được quyền, lợi ích bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được những quyền, nghĩa vụ của mình (áp dụng tương tự pháp luật, theo định nghĩa tại Điều 156 BLDS 2015), ví dụ như trường hợp ốm đau, bệnh tật; thiên tai, hỏa hoạn, động đất…
Trong trường hợp ny của bạn, lý do muốn vắng mặt trong phiên tòa sơ thẩm sắp là “muốn kéo dài thời gian diễn ra phiên tòa, để gom đủ tiền đã chiếm đoạt trả lại cho người bị hại, để được họ viết đơn bãi nại”. Đây không phải lý do được chấp nhận để hoãn phiên tòa, vì vậy không thể dùng lý do này để yêu cầu Tòa hoãn xét xử. Nếu muốn hoãn phiên tòa, ny bạn phải đáp ứng các trường hợp như đã nêu trên. Trường hợp ny bạn của bạn vắng mặt không có lý do chính đáng thì có thể bị áp giải đến phiên tòa theo quy định.
Thứ hai về vấn đề khắc phục hậu quả cho bị hại để được bãi nại:
Tội danh mà ny của bạn phạm phải là tội “Lạm dụng tín nhiệm tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 175 BLHS 2015 và không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Vì vậy dù gia đình bị hại có rút đơn bãi nại thì người yêu của bạn vẫn bị truy tố theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, việc trả lại một phần hay toàn bộ tài sản đã chiếm đoạt cho bị hại vẫn được xem xét là một trong những căn cứ để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, là cơ sở để áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” – quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS 2015.
Tóm lại, ny của bạn sẽ không thể hoãn phiên tòa nếu không có lý do chính đáng hay thuộc trường hợp bất khả kháng. Tuy nhiên, với việc khắc phục hậu quả, trả lại tiền bị chiếm đoạt sẽ được xem xét là căn cứ giảm nhẹ hình phạt cho bạn của bạn khi vụ án được đưa ra xét xử.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu còn thắc mắc cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com