Luật sư cho tôi hỏi: Tôi bị án treo về tội Cố ý gây thương tích, thời gian thử thách là 4 năm 8 tháng. Nay tôi đã chấp hành được 3 năm rồi. Ở nhà làm ăn khó khăn quá nên tôi muốn rời khỏi địa phương đang sinh sống để vào miền Nam làm ăn 1 thời gian. Tôi định đi mà tôi không xin phép thì liệu có bị làm sao không ạ? Có bị ảnh hưởng gì đến sau này không?
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:
Thứ nhất, người được hưởng án treo có được rời khỏi địa phương không?
Căn cứ theo khoản 1, khoản 2 điều 92 Luật thi hành án hình sự năm 2019, điểm a khoản 1 điều 31 Luật Cư trú năm 2020, Kết luận: Bạn là người đang được hưởng án treo thì có thể rời khỏi địa phương để đi công tác, đi du lịch… ở địa phương khác trong nước nhưng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
+ Thứ nhất, được sự cho phép của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị được giao giám sát, giáo dục
+ Thứ hai, thực hiện khai báo tạm vắng, tạm trú, lưu trú theo quy định pháp luật.
Lưu ý về thời gian vắng mặt: Thời gian vắng mặt tại nơi cư trú mỗi lần không quá 60 ngày và tổng số thời gian vắng mặt tại nơi cư trú không được vượt quá một phần ba thời gian thử thách, trừ trường hợp bị bệnh phải điều trị tại cơ sở y tế theo chỉ định của bác sỹ và phải có xác nhận điều trị của cơ sở y tế đó.
Người được hưởng án treo khi đến nơi cư trú mới phải trình báo với Công an cấp xã nơi mình đến tạm trú, lưu trú; hết thời hạn tạm trú, lưu trú phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi tạm trú, lưu trú.
Do đó, nếu Bạn đang trong thời gian thử thách án treo thì vẫn có thể rời khỏi địa phương để vào miền Nam làm ăn nhưng phải được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân xã hoặc đơn vị chịu trách nhiệm giám sát, quản lý bạn. Trường hợp không đồng ý cho bạn rời khỏi địa phương thì Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Thứ hai, các chế tài xử lý đối với người đang hưởng án treo đi khỏi địa phương mà không xin phép:
Theo quy định tại Điều 87 Luật Thi hành án hình sự 2019, người được hưởng án treo có nghĩa vụ:
+ Có mặt theo giấy triệu tập và cam kết việc chấp hành án theo quy định
+ Thực hiện nghiêm chỉnh cam kết trong việc tuân thủ pháp luật, nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, nơi làm việc, học tập; chấp hành đầy đủ hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp vì lý do khách quan được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.
+ Chịu sự giám sát, giáo dục của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi cư trú, nơi làm việc.
+ Chấp hành quy định về việc thay đổi nơi cư trú như xin phép UBND, đơn vị giám sát, khai báo lưu trú
+ Có mặt theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu.
+ Hằng tháng phải báo cáo bằng văn bản với Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục về tình hình chấp hành nghĩa vụ của mình. Trường hợp vắng mặt theo quy định tại khoản 1 Điều 92 của Luật này thì khi hết thời hạn vắng mặt, người được hưởng án treo phải báo cáo về tình hình chấp hành nghĩa vụ của mình.
Như vậy, việc người được hưởng án treo tự ý rời khỏi nơi cư trú mà không xin phép đã vi phạm nghĩa vụ Chấp hành quy định về việc thay đổi nơi cư trú (như xin phép UBND, đơn vị giám sát, khai báo cư trú). Bên cạnh đó còn dẫn đến hàng loạt các vi phạm nghĩa vụ khác như không thể có mặt kịp thời theo giấy triệu tập, theo yêu cầu của UBND xã, đơn vị giám sát, hay báo cáo tình hình chấp hành nghĩa vụ của bản thân…Khi đó, người được hưởng án treo có nguy cơ phải đối diện với các chế tài xử lý như sau:
1. Xử phạt hành chính
Theo Điểm đ, e Khoản 4 Điều 14 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Người được hưởng án treo đi khỏi nơi cư trú không xin phép hoặc không được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc vắng mặt tại nơi cư trú quá thời hạn cho phép;
+ Người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú khi chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền;
2, Bị UBND xã/đơn vị quản lý tổ chức kiểm điểm
Theo Điều 91 Luật Thi hành án hình sự 2019, người được hưởng án treo tự ý đi khỏi nơi cư trú mà không xin phép sẽ bị tổ chức kiểm điểm nếu đã bị nhắc nhở bằng văn bản về việc vi phạm mà tiếp tục vi phạm hoặc trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính. Việc kiểm điểm phải được lập thành biên bản, lưu hồ sơ giám sát, giáo dục và báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu. Khi đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc cấp giấy xác nhận hoàn thành thời gian thử thách án treo, xóa án tích đối với người được hưởng án treo.
3, Nghiêm trọng hơn, người đang hưởng án treo còn có nguy cơ phải đối mặt với việc chấp hành hình phạt tù
Theo Điều 10 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP được sửa đổi bởi Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP, Luật Thi hành án hình sự 2019, Người được hưởng án treo có thể bị Tòa án buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo nếu đang trong thời gian thử thách mà cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự từ 02 lần trở lên.
Trường hợp người được hưởng án treo bỏ đi khỏi nơi cư trú không xin phép được xác định là Vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên khi:
Vi phạm lần 01: Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo bỏ đi khỏi nơi cư trú không xin phép, cơ quan có thẩm quyền căn cứ Điều 87, Điều 91 và Điều 92 của Luật Thi hành án hình sự lập biên bản vi phạm nghĩa vụ, nhắc nhở lần 01 và triệu tập người này để tiếp tục thi hành án nhưng họ vẫn không có mặt theo giấy triệu tập nên cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm điểm vắng mặt và lập biên bản kiểm điểm vắng mặt.
Vi phạm lần 02 Căn cứ Điều 93 của Luật Thi hành án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiếp tục triệu tập người được hưởng án treo nhưng người này vẫn không có mặt nên bị lập biên bản nhắc nhở lần 02. Cơ quan có thẩm quyền tiếp tục triệu tập người được hưởng án treo nếu người này vẫn không có mặt thì lập biên bản xác nhận sự vắng mặt.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com