Những ngày vừa qua, cộng đồng mạng không khỏi bàng hoàng, xôn xao trước sự việc học sinh lớp 8 bị nam sinh lớp 10 đánh đến tổn thương, chết não. Được biết sự việc xảy ra vào ngày 17/3, khi em Đ (con chị L) đang chơi bóng rổ tại sân đình Lệ Mật thì xảy ra mâu thuẫn với cháu K. (12 tuổi). Ngay sau đó, cháu K. đã bỏ về và gọi anh trai (16 tuổi) và bố ra sân chơi để tìm gặp em Đ. Tại đây, cháu K. và anh trai của K. đánh cháu Đ, khiến Đ. bất tỉnh tại chỗ. Nạn nhân sau đó được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và trải qua 2 lần phẫu thuật. Do cháu Đ. bị tổn thương quá nặng, nên sự sống của cháu gần như không còn, sức khoẻ của nạn nhân được duy trì từng ngày bằng máy thở.Theo gia đình nạn nhân, hiện gia đình đã đưa em Đ. rời Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 về Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Đến tối ngày 27/3, Cơ quan CSĐT Công an quận Long Biên (Hà Nội) đã ra Quyết định khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trương Văn Minh (sinh ngày 28/11/2008, trú tại tổ 6, phường Việt Hưng, quận Long Biên) để điều tra về tội “Cố ý gây thương tích”.Cùng ngày, Viện KSND quận Long Biên đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam nêu trên.
Liên quan đến vụ việc nêu trên, nhiều người không khỏi thắc mắc về quy định pháp luật đối với người đủ 14 tuổi – dưới 16 tuổi phạm tội, như trong trường hợp nêu trên, bị can Trương Văn Minh sinh ngày 28/11/2008, tính đến ngày 17/3/2024, bị can đã 15 tuổi (thuộc diện từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi). Vậy Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội nào?
Về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, Theo khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017):
- Tội giết người;
- Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;
- Tội hiếp dâm;
- Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi;
- Tội cưỡng dâm;
- Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi;
- Tội mua bán người;
- Tội mua bán người dưới 16 tuổi;
- Tội cướp tài sản;
- Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản;
- Tội cưỡng đoạt tài sản;
- Tội cướp giật tài sản;
- Tội trộm cắp tài sản;
- Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản;
- Tội sản xuất trái phép chất ma túy;
- Tội tàng trữ trái phép chất ma túy;
- Tội vận chuyển trái phép chất ma túy;
- Tội mua bán trái phép chất ma túy;
- Tội chiếm đoạt chất ma túy;
- Tội tổ chức đua xe trái phép;
- Tội đua xe trái phép;
- Tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử;
- Tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử;
- Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác;
- Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản;
- Tội khủng bố;
- Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia;
- Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự.
Theo điểm b khoản 1 Điều 9 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định về phân loại tội phạm như sau:
Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành 04 loại sau đây:
a) Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;
b) Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;
c) Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;
d) Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện được phân loại căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội theo quy định tại khoản 1 Điều này và quy định tương ứng đối với các tội phạm được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này.
Do đó, bị can Trương Văn Minh vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ Luật Hình sự 2015 với khung hình phạt từ phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến đến 20 năm hoặc tù chung thân tùy theo tỷ lệ gây thương tích đối với bị hại. Tuy nhiên vì bị can chưa đủ 18 tuổi nên áp dụng theo Điều 101 Bộ luật Hình sự 2015 “2. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định. Do đó, mức hình phạt cao nhất mà bị can Trương Văn Minh phải chịu tối đa đến 12 năm tù.
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com