Vừa qua, Công an tỉnh Cao Bằng đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác của Phó trưởng Công an phường Sông Bằng sau khi clip ông này và một số cảnh sát khác hành hung, xô xát một người phụ nữ bị tung lên mạng, gây xôn xao dư luận vào ngày 2/5.
Trong đoạn clip được chia sẻ ghi lại hình ảnh 2 người đàn ông mặc thường phục cùng 2 người đàn ông mặc quần áo giống trang phục công an đi trên xe ôtô biển trắng rồi dừng trước quán cắt tóc.
Trước cửa quán cắt tóc, phó công an phường (mặc áo trắng) và một người mặc quần áo giống công an đã lôi kéo, quật ngã một nam thanh niên trẻ, đòi đưa lên xe ôtô “về phường xử lý” nhưng bị những người có mặt ngăn cản. Trong lúc giằng co, người đàn ông áo trắng (được cho là Phó trưởng Công an phường Sông Bằng, TP Cao Bằng) tát thẳng mặt cô gái, đẩy mạnh khiến cô gái này suýt ngã. Khi những người ở quán cắt tóc vào trong nhà, người đàn ông áo trắng tiếp tục đi vào và tiếp tục tát mạnh cô gái. Vụ việc chỉ dừng lại khi công an phường sở tại có mặt, những người đi trên xe ôtô mới chịu rời đi.
Theo Giám đốc Công an tỉnh Cao Bằng, thời điểm xảy ra vụ việc, những cán bộ có mặt trong đoạn clip đang giải quyết việc cá nhân chứ không phải đang làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, vụ việc này có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân, làm mất đi hình ảnh của người công an nhân dân trong mắt quần chúng nên cần xử lý mạnh tay nhằm trấn an dư luận.
Theo luật sư Sao Việt, vụ việc này có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, cụ thể là tội “Cố ý gây thương tích”, tội “Xâm phạm chỗ ở công dân” và tội “Bắt người trái pháp luật”.
Đối với tội cố ý gây thương tích: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 134 BLHS 2015, được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật hình sự 2017 thì “Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
…
i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn…
m) Có tính chất côn đồ”.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 155 BLTTHS 2015 thì “Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.”. Do đó, trong vụ việc này dù tỉ lệ thương tích của người phụ nữ dưới 11% nhưng nếu người phụ nữ này có yêu cầu khởi tố vụ án thì vị Phó trưởng công an phường vẫn có thể bị xử lý hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” theo Điều 134 BLHS.
Đối với tội Bắt người trái pháp luật: Điều 157 – Bộ luật hình sự về tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật như sau:
“1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;...”
Điều luật này quy định gồm 3 tội: Tội bắt người trái pháp luật, tội giữ người trái pháp luật, tội giam người trái pháp luật. Trong vụ việc này, hành vi khách quan phù hợp với tội bắt người trái pháp luật, thể hiện ở hành vi khống chế người khác để tạm giữ hoặc tạm giam họ. Dấu hiệu trái pháp luật trong vụ việc này là người có thẩm quyền trong việc bắt giữ, tạm giam người (Công an) nhưng thực hiện không đúng quy định của pháp luật.
Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, việc bắt bị can bị cáo để tạm giam phải có lệnh của người có thẩm quyền, lệnh của cơ quan điều tra phải được Viện Kiểm sát phê chuẩn. Trước khi tiến hành bắt người thi hành lệnh phải đọc lệnh, giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt. Khi bắt phải lập biên bản, biên bản phải ghi rõ ngày, tháng, năm, địa điểm bắt, nơi lập biên bản những việc đã làm tình hình diễn biến trong quá trình thi hành lệnh bắt thái độ của người bị bắt trong việc chấp hành lệnh bắt những đồ vật tài liệu liên quan được phát hiện bị tạm giữ và những yêu cầu phải được người thi hành lệnh bắt chấp nhận. Khi tiến hành bắt người tại nơi cư trú phải có mặt đại diện chính quyền địa phương. Ngoài ra, không được bắt người vào ban đêm trừ trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang.
Vì vậy, hành vi bắt giữ người của phó giám đốc công an phường và một số người đi cùng là trái pháp luật, phù hợp với các dấu hiệu cấu thành của tội bắt người trái pháp luật. Tội danh này được khởi tố không theo yêu cầu của bị hại vì vậy chỉ cần xác minh của cơ quan điều tra có đủ căn cứ xác định có hành vi bắt giữ người trái pháp luật thì cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự.
Hành vi của vị phó trưởng công an và một số người mặc quần áo cảnh phục đi cùng là hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, thể hiện sự coi thường pháp luật. Đặc biệt đây lại là hành vi được thực hiện bởi một người công an nhân dân, có nghĩa vụ phải ứng xử chuẩn mực, văn hóa với người dân; vì vậy càng khó chấp nhận. Đối với vụ việc này, cơ quan có thẩm quyền cần phải xử lý thật nghiêm minh để bảo vệ quyền lợi của người dân, đồng thời lấy lại hình ảnh người chiến sỹ Công an nhân dân trong mắt công chúng.
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com