Em trai tôi vay nóng của xã hội đen, không trả được nên bị chủ nợ tới tận nhà đòi giết. Bố mẹ tôi đã già, cũng chẳng còn gì chỉ còn mỗi căn nhà để về già có chỗ ở nên không thể bán nốt, em tôi nó quẫn trí mang xăng về tưới khắp nhà, dọa nếu không trả nợ giùm thì nó sẽ đốt nhà luôn, may mà có mấy anh dân phòng gần đấy đến ngăn cản nên nó không làm được. Tôi muốn hỏi trong trường hợp này, chưa có thiệt hại xảy ra nhưng có thể khởi tố hình sự hành vi phá hoại tài sản hoặc đe dọa giết người được không? Tôi xin cảm ơn.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:
Hành vi “Cố ý gây cháy, nổ làm tổn hại đến tính mạng, sức khoẻ con người; gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân; ảnh hưởng xấu đến môi trường, an ninh và trật tự an toàn xã hội” là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Khoản 1 Điều 13 Luật Phòng cháy chữa cháy năm 2001.
Tùy theo mức độ vi phạm mà người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu TNHS.
Để có thể xử lý hình sự với hành vi đổ xăng dọa đốt nhà của em bạn, nếu có thiệt hại xảy ra thì sẽ xử lý theo mức độ thiệt hại.
Ví dụ: Nếu việc phóng hỏa gây chết người thì sẽ bị khởi tố tội Giết người (trong trường hợp em trai bạn biết rõ hành vi phóng hỏa này có thể gây thiệt hại tính mạng của người khác mà vẫn thực hiện).
Nếu việc phóng hỏa gây thiệt hại về tài sản nhưng không gây tổn thương tính mạng, sức khỏe của người khác thì có thể bị khởi tố tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.
Với tội danh “Đe dọa giết người” do bạn đề cập, Điều 133 Bộ luật hình sự quy định về Tội đe dọa giết người được quy định như sau:
“1. Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đối với 02 người trở lên;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
d) Đối với người dưới 16 tuổi;
đ) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.”
Trường hợp này, việc đe dọa đã được thực hiện trên thực tế là hành vi mua xăng về tưới khắp nhà, đe dọa đốt nhà; tuy nhiên mục đích của việc đe dọa không phải là nhằm xâm phạm tính mạng của người trong nhà mà nhằm khiến những người trong nhà lo sợ mà đưa tiền để trả nợ (mục đích chiếm đoạt tài sản) do đó, không khởi tố hành vi này về tội “Đe dọa giết người” mà có dấu hiệu của tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 170 Bộ luật hình sự 2015: “. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”
Hành vi đe dọa dùng vũ lực ở đây được hiểu là hành vi của người phạm tội đe doạ sẽ thực hiện một hành động hay đe doạ sẽ sử dụng sức mạnh vật chất để gây thiệt hại cho người bị hại. Mục đích của việc đe doạ này là làm cho người bị hại sợ và giao tài sản cho người phạm tội chiếm đoạt theo đòi hỏi mà người phạm tội đưa ra.
Đối với tình tiết “phạm tội với người già yếu” đây là tình tiết tăng nặng khung hình phạt và người thực hiện tội phạm sẽ phải đối mặt với mức án phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.
Lời khuyên của Luật sư trong trường hợp này: Nếu gia đình bạn có ý định báo công an khiến em bạn phải ngồi tù để tránh việc em bạn phá phách hoặc tránh việc truy nợ của xã hội đen, việc làm này có thể mang lại những hậu quả khó lường. Tâm lý của người con bị gia đình quay lưng, thậm chí đẩy vào tù sẽ diễn biến phức tạp, có khả năng oán hận và trả thù gia đình sau khi ra tù. Mối quan hệ cha/mẹ/con, anh/chị/em trong gia đình cũng sẽ không thể cứu vãn nổi nếu chính gia đình đẩy em bạn vào tù. Tuy nhiên nếu để em bạn ở ngoài, khả năng tiếp tục có những hành vi nguy hiểm cho người thân sẽ xảy ra và gia đình cũng khó thoát khỏi sự làm phiền của các chủ nợ. Trong trường hợp này, có khả năng tâm lý của em bạn đang bị ảnh hưởng mạnh, gia đình nên đưa em đi giám định tâm thần để xác định có dấu hiệu bị bệnh hay không. Nếu có dấu hiệu bị bệnh thì cần can thiệp chữa bệnh sớm và người nhà nên "đàm phán" lại với phía chủ nợ về việc trả nợ gốc, xin khất hoặc giảm lãi cho em.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu còn vấn đề thắc mắc cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com