Hỏi: Xin chào Luật Sao Việt, tôi muốn được tư vấn về vấn đề như sau: Năm 1996 tôi bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên án 5 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Năm 2001 tôi chấp hành xong án, trở về hòa nhập cộng đồng và hiện đang cư trú tại xã Hà Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Kể từ đó đến nay tôi chưa vi phạm pháp luật thêm một lần nào nữa. Hiện nay tôi cần xin cấp giấy chứng nhận xóa án tích thì có được không? Nếu được thì thủ tục như thế nào? Mong được giải đáp.

Trả lời:

Chào bạn. Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt. Về vấn đề của bạn, chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn bị kết án phạt tù về tội Cố ý gây thương tích và đã chấp hành xong bản án vì vậy sẽ thuộc trường hợp đương nhiên được xóa án tích theo điểm b khoản 3 Điều 53 Bộ luật hình theo 1985 sửa đổi bổ sung năm 1989:

 “Điều 53. Đương nhiên được xóa án

Những người sau đây đương nhiên được xoá án:

1- Người được miễn hình phạt;

2. Người được hưởng án treo mà không phạm tội mới trong thời hạn ba năm, kể từ ngày hết thời gian thử thách.

3- Người bị kết án không phải về tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia hoặc về tội phạm quy định ở Chương XII Phần các tội phạm Bộ luật này, nếu từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi việc thi hành bản án đã quá thời hiệu, người ấy không phạm tội mới trong thời hạn sau đây:

a) Ba năm trong trường hợp hình phạt là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội;

b) Năm năm trong trường hợp hình phạt là tù đến năm năm.”

Vì bạn bị phạt tù 5 năm, không có thêm hình phạt bổ sung và trong vòng 05 năm (theo điểm b, khoản 3 Điều 53 BLHS 1985 sửa đổi bổ sung năm 1989) bạn không phạm tội mới nên bạn đương nhiên được xóa án tích.

* Xin cấp giấy chứng nhận xóa án tích

Trường hợp của bạn đương nhiên được xóa án tích, tuy nhiên nếu có nhu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích, bạn có quyền yêu cầu cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp phiếu lý lịch tư pháp.

Quy trình như sau:

Bước 1: Lập hồ sơ xin cấp phiếu lý lịch tư pháp

Hồ sơ bao gồm:

- Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp (Mẫu số 03/2013/TT-LLTP; Mẫu số 04/2013/TT-LLTP)

- Bản chụp giấy chứng minh nhân dân/căn cước công dân hoặc hộ chiếu của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp (khi nộp cần xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc nộp bản sao chứng thực).

- Văn bản uỷ quyền trong trường hợp ủy quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 (Việc uỷ quyền phải được lập thành văn bản theo quy định của pháp luật). Trường hợp người được ủy quyền là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người ủy quyền thì không cần văn bản ủy quyền.

- Bản sao CMND/CCCD hoặc hộ chiếu của người được ủy quyền (trường hợp ủy quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1).

Ngoài ra, người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp thuộc đối tượng được miễn hoặc giảm phí (theo Quyết định số 2244/BTP ngày 24/08/2018) thì phải xuất trình các giấy tờ để chứng minh.

(Theo quy định tại Điều 41, Điều 45 Luật lý lịch tư pháp năm 2009; Điều 37 Luật cư trú năm 2020; Quyết định số 2244/BTP ngày 24/08/2018).

Bước 2: Nộp hồ sơ xin cấp phiếu lý lịch tư pháp

Nộp Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp và các giấy tờ kèm theo tại Sở tư pháp nơi thường trú; trường hợp không có nơi thường trú thì nộp tại Sở tư pháp nơi tạm trú.

Bước 3: Nộp phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp

- Phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp: 200.000đồng/lần/người.

- Trường hợp người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp đề nghị cấp trên 2 Phiếu trong một lần yêu cầu, thì kể từ phiếu thứ 3 trở đi cơ quan cấp phiếu lý lịch tư pháp thu thêm 5.000đ/phiếu, để bù đắp chi phí cần thiết cho việc in mẫu Phiếu lý lịch tư pháp.

Đối với các trường hợp được miễn, giảm phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp thì áp dụng theo nội dung tại Quyết định số 2244/BTP ngày 24/08/2018.

Bước 4: Nhận kết quả

Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người được đương nhiên xóa án tích và xét thấy có đủ điều kiện quy định tại Điều 70 BLHS 2015 thì cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp phiếu lý lịch tư pháp là họ không có án tích. (Điều 369 BLTTHS 2015).

Theo khoản 1 và điểm b, khoản 2 Điều 42 Luật lý lịch tư pháp 2009 thì:

“Điều 42. Nội dung Phiếu lý lịch tư pháp số 1

1. Họ, tên, giới tính, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nơi cư trú, số giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

2. Tình trạng án tích

...

b) Đối với người được xoá án tích và thông tin về việc xoá án tích đã được cập nhật vào Lý lịch tư pháp thì ghi “không có án tích”;”

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer