Xin chào Luật Sao Việt, năm 2018, tôi đã từng sang Campuchia lao động và buôn bán nên biết cách vượt biên sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch. Năm 2022, thấy nhu cầu sang Campuchia ở Việt Nam rất lớn, tôi đã đứng ra nhận đưa người sang Campuchia qua đường tiểu ngạch, không cần làm thông quan tại cửa khẩu với mức phí là 10.000.000 VNĐ/người. Trong năm 2022, tôi đã đưa được 10 người sang Campuchia và nhận số tiền là 100.000.000 VNĐ. Đến năm 2023, tôi đã dừng hoạt động dẫn người, và xin vào làm bảo vệ ở một công ty gần nhà. Hôm qua, tôi nghe nói sắp tới công an huyện sẽ gửi giấy triệu tập tôi vì có người đã tố cáo tôi có hành vi người trái phép sang Campuchia làm lao động bất hợp pháp. Xin hỏi Luật Sao Việt, liệu tôi sẽ bị xử lý thế nào, tôi dẫn mọi người đi đều là họ tự nguyện muốn đi chứ tôi không ép buộc ai cả.
Trả lời:
Chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:
Theo quy định pháp luật, bất kỳ công dân Việt Nam nào muốn ra khỏi lãnh thổ Việt Nam để sang nước ngoài học tập, làm việc hay du lịch, định cư lâu dài…thì đều phải đáp ứng các điều kiện để được xuất cảnh và thực hiện các thủ tục xuất cảnh tại cửa khẩu theo quy định của Luật Xuất nhập cảnh. Do đó, nếu người dân đi qua biên giới mà không thực hiện thủ tục xuất cảnh tại cửa khẩu thì đều được xem là hành vi xuất cảnh trái phép.
Riêng với trường hợp cá nhân, tổ chức đưa người Việt Nam ra nước ngoài để làm việc thì phải thực hiện theo quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020. Theo đó, việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải qua các hình thức gồm:
+ Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký với đơn vị sự nghiệp để thực hiện thỏa thuận quốc tế.
+ Hợp đồng hoặc thỏa thuận bằng văn bản về việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sau đây:
a) Doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
b) Doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài;
c) Doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài;.
d) Tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
+ Hợp đồng lao động do người lao động Việt Nam trực tiếp giao kết với người sử dụng lao động ở nước ngoài.
Với trường hợp của bạn, bạn đã đưa 10 người Việt Nam sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch nhằm lẩn tránh cơ quan chức năng và không phải làm thủ tục xuất cảnh theo quy định pháp luật, để thu lợi 100.000.000 triệu đồng. Nhận thất, hành vi này của bạn có dấu hiệu của Tội tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép được quy định tại Điều 348 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017):
“Điều 348. Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
1. Người nào vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với từ 05 người đến 10 người;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Đối với 11 người trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
c) Làm chết người.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
Theo đó, hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép được hướng dẫn cụ thể tại Công văn 1557/VKSTC-V1 là vì động cơ vụ lợi mà tổ chức cho người khác từ Việt Nam ra nước ngoài trái phép chỉ với mục đích đưa người khác qua biên giới. Ví dụ: A được trả tiền để dẫn 03 người qua đường mòn khu vực biên giới Việt Nam sang Trung Quốc. Đặc biệt, yếu tố “vụ lợi” ở đây là động cơ mà bạn phạm tội nhằm được lợi ích vật chất hoặc phi vật chất không chính đáng cho bản thân. Khi đó, mức hình phạt bạn sẽ phải đối diện là: Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. Ngoài ra, bạn có thể bị áp dụng mức hình phạt bổ sung là: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần lưu ý: Trường hợp nếu bạn tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam với mục đích để người đó trốn ra nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép nhằm trốn tránh pháp luật Việt Nam (trốn truy nã, trốn nợ,...) hoặc để lao động, cư trú trái phép ở nước ngoài...thông qua một chuỗi hành vi, như: Thỏa thuận với khách (chi phí, thời gian, địa điểm đi, đến, phương tiện, thủ đoạn trốn,...) thì hành vi của bạn sẽ bị xử lý hình sự về Tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài theo Điều 349 BLHS. Ví dụ 1: Bạn biết B đang bị cấm xuất cảnh, đã thuê người dẫn B qua đường mòn, lối mở để trốn sang Trung Quốc. Ví dụ 2: Bạn có mục đích đưa D đi Hàn Quốc để lao động bất hợp pháp nên đã làm thủ tục (thành lập Công ty, làm hồ sơ để D là nhân viên của Công ty, làm Visa cho D,...) để D đi Hàn Quốc và ở lại lao động bất hợp pháp.
Bài viết liên quan: Tội tổ chức môi giới xuất nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Để tìm kiếm các giải đáp pháp lý, cũng như lời khuyên từ Luật Sao Việt đối với từng trường hợp cụ thể, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com