Xin chào Luật Sao Việt, tôi muốn được tư vấn về vấn đề như sau: Ngày 07/3/2024, Anh K điều khiển xe mô tô gây tai nạn, hậu quả ông C bị thương nặng, tỷ lệ thương tích 96% và chết sau 4 tháng điều trị. Tại thời điểm xảy ra tai nạn, chỉ có anh K, chị H ngồi trên xe cùng và ông C. Ông C là người có tiền sử bệnh tâm thần. Sau khi xảy ra tai nạn, anh K đưa ông C đi bệnh viện cấp cứu, hai bên thống nhất thỏa thuận với nhau và không báo Công an làm việc. Tuy nhiên, quá trình thỏa thuận không thành nên ngày 28/3/2024 gia đình ông C mới báo Công an. Quá trình thu thập chứng cứ, hiện trường đã thay đổi, không lấy được lời khai của ông C do ông C bị thương nặng. Theo lời khai của anh K và chị H thì phát hiện ông C qua đường khi khoảng cách 04m đến 05m và lúc này ông C sang đường nhanh và đột ngột. Cơ quan điều tra không khám nghiệm được hiện trường mà chỉ dựng lại hiện trường căn cứ lời khai của anh K. Kết luận Giám định cơ học của phòng kỹ thuật hình sự không xác định được tốc độ xe, không xác định được vị trí va chạm trên xe, trên người và trên hiện trường; không giám định nguyên nhân chết. Thưa Luật sư, với các tình tiết trên có cơ sở để khởi tố vụ án, khởi tố bị can K về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” không? Nếu không được khởi tố thì xử lý như thế nào để đảm bảo quyền lợi cho ông C? Tôi cảm ơn Luật sư!
Trả lời:
Chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt. Về vấn đề của bạn, chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn như sau:
1. Điều kiện để khởi tố vụ án hình sự
Theo Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021 (BLTTHS năm 2015) quy định:
Chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ:
- Tố giác của cá nhân;
- Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
- Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng;
- Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước;
- Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm;
- Người phạm tội tự thú.
Căn cứ khởi tố vụ án hình sự chính là các dấu hiệu tội phạm và các dấu hiệu này được xác định dựa trên các cơ sở như tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố ....
Vì vậy, với các tình tiết trên gia đình ông C có thể tố giác đến Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an quận/huyện nơi xảy ra vụ việc và có cơ sở để khởi tố vụ án.
Tuy nhiên, muốn khởi tố bị can vi phạm quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ", cần xác định:
- Hành vi vi phạm quy định về giao thông đường bộ của người điều khiển phương tiện.
- Hậu quả nghiêm trọng: Gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe từ 61% trở lên hoặc gây chết người.
- Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và hậu quả xảy ra.
Các yếu tố trong vụ việc trên như sau:
- Hậu quả nghiêm trọng: Ông C bị thương tích 96% và tử vong sau 4 tháng, thỏa mãn điều kiện về hậu quả.
- Yếu tố lỗi của anh K: Theo lời khai của anh K và chị H, ông C băng qua đường đột ngột ở khoảng cách 04 đến 05m, gây khó khăn cho việc tránh né. Nếu không có bằng chứng chứng minh anh K chạy quá tốc độ, đi sai làn, không chú ý quan sát,… thì chưa có đủ căn cứ khẳng định anh K vi phạm quy định về tham gia giao thông.
- Giám định kỹ thuật hình sự không xác định được tốc độ xe, vị trí va chạm trên xe, trên người nạn nhân và hiện trường. Điều này khiến việc xác định nguyên nhân tai nạn trở nên khó khăn.
Sự việc xảy ra ngày 07/3/2024 nhưng đến 28/3/2024 mới thông báo nên không khám nghiệm được hiện trường. Việc dựng lại hiện trường chỉ căn cứ lời khai của anh K. Kết luận Giám định cơ học của phòng KTHS không xác định được tốc độ xe, không xác định được vị trí va chạm trên xe, trên người và trên hiện trường. Lời khai của anh K và H phát hiện ông C qua đường khi khoảng cách 04m đến 05m và lúc này ông C đã ở ngay trước đầu xe nên không loại trừ được sự kiện bất ngờ theo quy định tại Điều 20 của Bộ luật Hình sự.
Mặt khác, để chứng minh lỗi của anh K cần căn cứ vào hành vi khách quan và các tài liệu chứng cứ gốc nhưng chỉ căn cứ lời khai để xác định lỗi là không khách quan. Do đó, áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội đối với vụ việc này. Với các tài liệu, chứng cứ thu thập được như hiện nay thì chưa đủ căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với anh K về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại Điều 260 của Bộ luật Hình sự.
Như vậy, nếu không có thêm bằng chứng xác định lỗi của anh K (như chạy quá tốc độ, không giảm tốc khi thấy người qua đường, vi phạm quy tắc an toàn khi lái xe, v.v.) thì chưa đủ căn cứ để khởi tố bị can.
Nếu Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an quận/huyện nơi xảy ra vụ việc đã ra Quyết định khởi tố vụ án nhưng kết thúc điều tra vẫn chưa đủ căn cứ để khởi tố bị can, thì vụ án sẽ bị đình chỉ cho đến khi có bằng chứng hoặc tình tiết mới.
2. Hướng giải quyết để bảo vệ quyền lợi của ông C
Nếu không thể khởi tố vụ án hình sự, gia đình ông C có thể thực hiện các cách sau để bảo vệ quyền lợi của ông C:
Thứ nhất, yêu cầu bồi thường dân sự theo Bộ luật Dân sự 2015.
Căn cứ Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:
“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.”
Như vậy, khi anh K gây tai nạn cho ông C thì phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định tại Điều 591 Bộ luật dân sự năm 2015. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm theo Điều 591 bao gồm:
- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
- Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
- Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;
- Thiệt hại khác do luật quy định.
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường các thiệt hại đã liệt kê bên trên và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại
đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này.
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Theo đó, tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 73/2024/NĐ-CP quy định về mức lương cơ sở từ 1/7/2024 như sau:
“Điều 3. Mức lương cơ sở
1. Mức lương cơ sở dùng làm căn cứ:
a) Tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này;
b) Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật;
c) Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
2. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, mức lương cơ sở là 2.340.000 đồng/tháng.
[....]”
Như vậy, mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận với nhau. Trong trường hợp nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở tương đương với 234 triệu đồng.
Gia đình ông C có quyền yêu cầu anh K bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm và tính mạng bị xâm phạm, bao gồm chi phí được liệt kê ở trên. Nếu hai bên không thỏa thuận được, gia đình ông C có thể khởi kiện dân sự ra Tòa án để yêu cầu bồi thường.
Thứ hai, yêu cầu cơ quan Công an điều tra bổ sung: Nếu gia đình ông C nghi ngờ có vi phạm thì có thể đề nghị giám định lại nguyên nhân cái chết hoặc tìm thêm bằng chứng như camera hành trình, nhân chứng khác để làm rõ vụ việc.
=================================================================================
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Tp. Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com