Tôi muốn hỏi và nhờ tư vấn về trường hợp sau : Anh B có tham gia đóng bảo hiểm phúc lợi xã hội, do thiếu tiền trả nợ nên anh B có giả bị tai nạn đường sắt, sau đó nhờ anh K chặt đứt chân mình rồi trình báo cơ quan công an bị tàu hỏa gây tai nạn và đòi tiền bảo hiểm bồi thường từ phía công ty bảo hiểm. Trường hợp này sau khi xác minh tai nạn giả thì anh B với anh K có phạm tội gì không?
Nguồn ảnh: Internet
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Sao Việt, theo thông tin bạn cung cấp chúng tôi tư vấn như sau:
Trong trường hợp mà anh có thắc mắc về việc của anh B và K, sau khi xác minh đầy đủ các căn cứ chứng minh việc tai nạn gây ra hậu quả anh B bị mất một chân hoàn toàn là do chủ đích của B nhằm mục đích chiếm đoạt số tiền bảo hiểm từ công ty bảo hiểm mà anh B tham gia với tư cách là khách hàng thì có thể bị khởi tố về tội “ gian lận trong kinh doanh bảo hiểm”.
Theo quy định tại Điều 213 Bộ luật hình sự 2015:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tiền bảo hiểm từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật;
b) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;
c) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm;
d) Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm trừ trường hợp luật quy định khác.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
c) Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.
Về phía anh K, trong trường hợp này là người giúp anh B tạo dựng sự việc giả tai nạn thì sẽ có 2 trường hợp xử lí hình sự đối với anh K:
- Nếu như anh B và K có sự bàn bạc từ trước về việc thực hiện tạo dựng sự việc giả tai nạn đường sắt để chiếm đoạt số tiền bảo hiểm và anh K sẽ được trả tiền công sau khi giúp B thì anh K sẽ có thể bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò là đồng phạm. Trong trường hợp này, anh B nhận được tiền bảo hiểm đền bù thiệt hại rồi thì đã đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015.
- Còn nếu như anh K chỉ được anh B nhờ giúp thực hiện việc đó mà không có sự ăn chia tiền bảo hiểm sẽ nhận được hay tiền thù lao thì anh K sẽ phải chịu trách nhiệm về tội cố ý gây thương tích. Theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự 2015.
Như vậy, trong trường hợp trên để xác định một cách chính xác trách nhiệm của từng người thì cần phải xác minh việc anh B đã nhận được tiền bảo hiểm hay chưa và giá trị tiền bảo hiểm đền bù mà anh B nhận được là bao nhiêu? Bên cạnh đó cũng cần làm rõ giữa anh B và anh K có sự thỏa thuận bàn bạc gì về việc anh K giúp anh B tạo ra sự việc giả tai nạn đường sắt để chiếm đoạt số tiền bảo hiểm đó hay không.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com