Tai nạn giao thông là điều không ai mong muốn nhưng khi xảy ra tai nạn giao thông phải hành xử thế nào để đúng đạo đức và không vi phạm pháp luật thì không phải ai cũng biết và làm được. Rất nhiều trường hợp khi xảy ra tai nạn giao thông, lái xe gây tai nạn đã bỏ trốn để mặc nạn nhân ở lại hiện trường dù tính mạng của họ đang gặp nguy hiểm. Vậy, pháp luật quy định như thế nào về trường hợp này?

Thực tế, không thể hoàn toàn trách người gây ra tai nạn có hành vi bỏ trốn khỏi hiện trường, do có quá nhiều vụ người nhà nạn nhân hoặc người dân xung quanh xông vào hành hung, tấn công người gây tai nạn. Vì lo sợ bị hành hung và do tâm lý hoảng loạn vì sự việc bất ngờ nên sau khi gây tai nạn, nhiều tài xế đã rời khởi hiện trường. Trong tình huống này, pháp luật cũng “thông cảm” cho lái xe gây tai nạn bằng việc quy định các trường hợp lái xe được quyền rời khỏi hiện trường vụ tai nạn khi:

- Người lái xe gây tai nạn cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc đưa người bị nạn đi cấp cứu;

- Vì lý do bị đe dọa đến tính mạng (người nhà nạn nhân, người xung quanh vây đánh…)

Khi đó, người gây tai nạn có thể rời khỏi hiện trường tai nạn nhưng ngay sau đó người tài xế phải đến cơ quan công an trình báo về hành vi của mình. Việc rời khỏi hiện trường vì lý do chính đáng như trên khác hoàn toàn với hành vi bỏ trốn để trốn tránh trách nhiệm với người bị nạn. Ví dụ: tài xế gây tai nạn nhưng để xe lại hiện trường và đến cơ quan công an trình diện thì không phải là hành vi bỏ trốn.

Đối với trường hợp tài xế gây tai nạn bỏ trốn nhằm mục đích trốn tránh trách nhiệm với hành vi gây ra tai nạn cho người khác của mình thì đó là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào mức độ thiệt hại gây ra.

Xử phạt hành chính:

Căn cứ Nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, người điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn bỏ trốn không đến trình báo tại cơ quan công an sẽ bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 5 - 6 triệu đồng (đối với ô tô); từ 2 - 3 triệu đồng (đối với xe máy); từ 100 - 200 nghìn đồng (đối với xe đạp).

Xử lý hình sự:

Việc bỏ trốn trốn tránh trách nhiệm đối với nạn nhân được coi như một tình tiết tăng nặng và với yếu tố này có thể tài xế gây tai nạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 260 BLHS 2015:

“Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

…”

Trường hợp bỏ trốn nhằm mục đích tự vệ thì sẽ phụ thuộc vào mức độ thiệt hại xảy ra để áp dụng quy định xử lý, xử phạt theo quy định tại Khoản 1 Điều 260 BLHS 2015:

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Lời khuyên của Luật sư về vấn đề này:

Sau khi xảy ra tai nạn giao thông, tài xế gây ra tai nạn cần biết trách nhiệm của mình:

Luật GTĐB về việc bỏ trốn khỏi hiện trường tai nạn, cụ thể điều 38, luật giao thông đường bộ quy định rõ:

Người điều khiển phương tiện gây ra tai nạn và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm như sau:

  • Dừng ngay phương tiện (Nếu bỏ chạy cùng phương tiện gây tai nạn thì hiển nhiên vi phạm pháp luật); giữ nguyên hiện trường (nghiêm cấm hành vi tạo dựng hiện trường giả); cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu (có mặt khi có lệnh triệu tập).
  • Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương (chỉ cần bị thương thì người gây ra tai nạn có quyền rời hiện trường) phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất.
  • Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.

Rõ ràng tai nạn giao thông xảy ra là điều không mong muốn của các bên, nhưng với hành vi của lái xe gây tai nạn không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn, không trình báo với cơ quan có thẩm quyền hay không tham gia cấp cứu người bị nạn thật đáng lên án. Nó không chỉ đánh dấu sự xuống cấp về mặt đạo đức của người lái xe, mà còn cho thấy thái độ bất chấp, coi thường pháp luật của không ít người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Mỗi tài xế sau khi không may để xay ra tai nạn cần thực hiện đúng trách nhiệm của mình vừa để tránh những trường hợp không đáng tiếc xảy khi nạn nhân không được cấp cứu kịp thời và cũng vừa để giúp người tài xế tránh việc bị áp dụng các tình tiết tăng nặng khi xử lý vi phạm.

 

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

 

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer