Chào luật sư, tôi muốn hỏi về một sự việc như sau: Hôm trước trong lúc ngồi lướt mạng tôi có nhìn thấy video ghi lại cảnh một người tài xế xe tải đang cãi nhau với một nhóm người. Theo nội dung video do tài xế xe tải quay lại bằng điện thoại, thời điểm xảy ra sự việc trên thì người tài xế này đang cho xe lưu thông trên đường thì bất ngờ bị một nhóm người chặn lại, kiên quyết không cho đi tiếp vì ở đằng trước đường đang phơi lúa. Khi người tài xế này phàn nàn về lúa phơi ra hết cả đường, lấn chiếm không có chỗ cho xe đi qua, thì bất ngờ, nhóm người kia lao ra chửi mắng, lên tiếng thách thức người tài xế, tuyên bố đường này là đường của họ, họ muốn phơi thì phơi; đồng thời họ còn mang xe rùa, gạch đá ra để chặn đường không cho tài xế đi tiếp. Ở cuối video một số người còn dùng gậy gộc, đánh cả tài xế. Tôi thấy rất bức xúc về hành vi của những người này. Tôi muốn hỏi, với hành vi phơi thóc lúa ra giữa đường và đánh tài xế của những người trên thì có thể bị xử lý gì không? Mong được giải đáp!

Nguồn ảnh: Internet

Trả lời:

 Chào bạn. Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt. Về vấn đề của bạn, chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

  1. Căn cứ pháp lý:

Luật giao thông đường bộ

Nghị định 100/2019/NĐ-CP

Bộ luật hình sự năm 2015

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2017

  1. Nội dung tư vấn:

Dựa theo thông tin bạn cung cấp thì trong vụ việc trên, đã có tình trạng một số người dân lấn chiếm lề đường để phơi thóc lúa, và khi người tài xế xe tải phàn nàn thì họ chửi mắng, thách thức và đánh lại người tài xế, Xem xét các tình tiết trong vụ việc này, có thể thấy:

          Thứ nhất, Đối với hành vi tận dụng, lấn chiếm lòng lề đường để phơi thóc, lúa:

         Có thể thấy, lòng đường, lề đường là những bộ phận thuộc đường bộ theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật giao thông đường bộ năm 2008. Trong đó: Phần lòng đường, hay phần đường xe chạy được xác định là phần đường bộ được sử dụng cho các phương tiện giao thông qua lại; còn phần hành lang an toàn đường bộ - tức dải đất dọc hai bên đất của đường bộ được sử dụng để đảm bảo sự an toàn giao thông đường bộ. Việc sử dụng đường bộ phải đúng mục đích, đúng chức năng đảm bảo sự vận hành và lưu thông của các phương tiện giao thông.

        Hiện nay, pháp luật hiện hành nghiêm cấm việc sử dụng lòng đường, lề đường trái phép (khoản 3 Điều 8 Luật giao thông đường bộ năm 2008). Đồng thời, tại điểm điểm d khoản 2 Điều 35 Luật giao thông đường bộ năm 2008 cũng quy định hành vi “Phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ” được xác định là một trong những hành vi bị nghiêm cấm.

           Mà xem xét trong tình huống trên, những người dân đứng ra chặn đường tài xế xe tải là những người đã tận dùng phần lề đường, lòng đường để phơi thóc, lúa dàn trải, cản trở việc đi lại của các phương tiện giao thông. Hành vi này của những người dân này được xác định là hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 2 Điều 35 Luật giao thông đường bộ được trích dẫn ở trên. Chính vì vậy, khi thực hiện hành vi nêu trên thì tổ chức, cá nhân sẽ bị xử phạt theo quy định. Cụ thể, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì:

Điều 12. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2, điểm b khoản 5, điểm e khoản 6 Điều này;

b) Phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đặt máy tuốt lúa trên đường bộ.

...

10. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Thực hiện hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều này buộc phải thu dọn thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản, thiết bị trên đường bộ;

          Có thể thấy, căn cứ và điểm b khoản 1, điểm a khoản 10 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được trích dẫn ở trên thì với hành vi chiếm dụng lòng đường, lề đường để phơi lúa, cản trở giao thông như nội dung clip đã phản ánh, những người  dân kia có thể bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng, đồng thời sẽ bị áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung là phải thu dọn thóc, lúa đã phơi trên đường bộ.

          Thứ hai, về hành vi đánh người của một số người dân đối với người tài xế xe tải.

       Theo như thông tin bạn cung cấp thì nội dung trên video phản ánh việc người tài xế xe tải sau khi phàn nàn về việc các hộ dân phơi thóc tràn ra hết đường, làm cho xe không lưu thông được thì đã có một số người dân quá khích, thách thức và dùng gậy gộc đánh lại người tài xế này. Mặc dù trong nội dung bạn đề cập không nói rõ người tài xế bị đánh như thế nào, có gây tổn thương gì cho người tài xế không?

.        Tuy nhiên, đối với hành vi cố ý, sử dụng những vật cứng như gậy, gộc để đánh đập, gây thương tích cho người khác thì hành vi này đã xâm phạm đến quyền được bảo vệ về thân thế, sức khỏe, tính mạng của người tài xế. Trường hợp này, hành vi của nhóm người này đang có dấu hiệu của cấu thành tội phạm của Tội cố ý gây thương tích được quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015. Cụ thể: tại Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi bởi khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi, sổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 có quy định: 

        Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

đ) Có tổ chức;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;

i) Có tính chất côn đồ;

k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;

....”

           Căn cứ theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 được trích dẫn ở trên có thể thấy, trong trường hợp những người dân kia đánh tài xế mà tỷ lệ thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người tài xế từ 11% trở lên; hoặc dưới 11 % nhưng những người này thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này (như sử dụng hung khí nguy hiểm, hoặc gây cố tật nhẹ cho nạn nhân... ) thì những người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội Cố ý gây thương tích  hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 nếu đáp ứng các yếu tố cấu thành của tội danh này.

         Trường hợp hành vi của những người dân này chưa đáp ứng các yếu tố cấu thành của tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 được trích dẫn ở trên thì những người này sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, với hành vi thách thức, chửi mắng, và đánh lại người tài xế thì những người này vẫn có thể bị phạt tiền theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạ ruqd 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

       Như vậy, qua phân tích ở trên, có thể thấy, hành vi của nhóm người dân tự lấn chiếm lòng lề đường để phơi thóc, lúa là hành vi vi phạm pháp luật, sử dụng lòng, lề đường trái phép, cản trở sự lưu thông của các phương tiện giao thông. Hành vi này cần được lên án. Tuy nhiên việc những người dân này khi nhận được sự góp ý từ người tài xế xe tải đã không tiếp thu mà còn chửi mắng, đánh đập người tài xế thì tùy theo từng mức độ, họ sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

 

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer