Đứng thứ hai trong bảng xếp hạng nguồn tài nguyên thiên nhiên được tiêu thụ nhiều nhất thế giới chỉ sau nước, cát ngày càng trở lên quan trọng và được ứng dụng phổ biến trong mọi lĩnh vực đời sống.

Trong những năm gần đây, khi nhu cầu xây dựng các công trình, cơ sở hạ tầng tăng cao thì vấn nạn “cát tặc” lại càng trở lên nhức nhối hơn. Với hàng loạt những thủ đoạn tinh vi, chiêu trò lách luật, các hình thức khai thác cát trái phép, hút trộm cát trên các con sông diễn ra ngày càng nhiều, khiến đáy sông bị hạ thấp, biến dạng dòng chảy, dẫn đến hàng loạt sự cố xói lở bãi sông, đê, kè…đe dọa môi trường sống của các loài thủy sinh và đời sống người dân.

Vậy khai thác cát trái phép là gì? Hành vi khai thác cát trái phép có thể bị xử lý như thế nào?

Ảnh minh họa: Internet

Căn cứ pháp lý:

+ Luật Khoáng sản 2010

+ Nghị định 23/2020/NĐ – CP quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ bờ bãi sông

+ Nghị định 36/2020/NĐ – CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản

+ Bộ luật Hình sự 2015

Thế nào là khai thác cát trái phép?

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 4, Điều 51 Luật Khoáng sản 2010, Khoản 3 Điều 3 Nghị định 23/2020/NĐ-CP: “Chỉ được tiến hành hoạt động khoáng sản khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép

và “Tổ chức, cá nhân kinh doanh cát, sỏi hợp pháp là tổ chức, cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép khai thác cát, sỏi lòng sông… “. Như vậy, nếu bất kỳ cá nhân, tổ chức nào tự ý khai thác cát mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép được coi là hành vi khai thác cát trái phép. 

Khai thác cát trái phép bị xử lý thế nào?

Tùy theo tính chất, mức độ vụ việc, phạm vi và khối lượng cát khai thác, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi khai thác cát trái phép trên các con sông có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu TNHS về Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên được quy định tại Điều 227 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung bởi Khoản 54 Điều 1 BLHS 2015.

Trách nhiệm hành chính: Vi phạm về khai thác cát, sỏi lòng sông, suối, hồ mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được quy định tại Điều 48 Nghị định 36/2020/NĐ-CP, theo đó:

+ Đối với hành vi khai thác cát, sỏi trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; hành lang bảo vệ luồng; phạm vi luồng hoặc trong phạm vi bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền: phạt tiền từ 20 triệu đồng – 200 triệu đồng

+ Đối với hành vi khai thác cát, sỏi ngoài phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; hành lang bảo vệ luồng; phạm vi luồng hoặc ngoài phạm vi bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền: phạt tiền từ 10 triệu – 150 triệu đồng

Đồng thời tịch thu toàn bộ khoáng sản được quy đổi bằng tiền; tịch thu phương tiện sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm, buộc cải tạo, phục hồi môi trường; thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác về trạng thái an toàn; đền bù, trả kinh phí khắc phục, sửa chữa những hư hỏng của công trình đê điều, công trình hạ tầng kỹ thuật khác, công trình dân dụng do hành vi vi phạm gây ra

Trách nhiệm hình sự: Nghiêm trọng hơn, đối với hành vi khai thác cát trái phép, người vi phạm còn có thể bị truy cứu TNHS về Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên:

Người nào vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm"

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer