Xin chào Luật Sao Việt, tôi muốn được tư vấn về vấn đề như sau: Tôi là bị hại trong vụ án “Cố ý gây thương tích”. Mới đây tôi nhận được thông báo kết luận giám định, trong đó có nội dung kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên của tôi là 12%. Tôi cho rằng kết luận này không đúng với tỷ lệ tổn thương thực tế của tôi vì thương tích của tôi rất nặng, hiện nay vẫn chưa thể đi lại, vận động bình thường được. Cho tôi hỏi tôi không đồng ý với kết luận giám định này thì cần phải làm gì? Mong được giải đáp.
Trả lời:
Chào bạn. Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt. Về vấn đề của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 211 Bộ luật tố tụng hình sự 2015:
“Điều 211. Giám định lại
1. Việc giám định lại được thực hiện khi có nghi ngờ kết luận giám định lần đầu không chính xác. Việc giám định lại phải do người giám định khác thực hiện.”
Hơn thế, tại điều 29 Luật giám định tư pháp năm 2012, sửa đổi năm 2020 cũng quy định: “Trường hợp nếu xét thấy nội dung kết luận giám định thương tật chưa rõ ràng, đầy đủ hoặc có căn cứ cho rằng không chính xác thì người bị gây thương tích, tổn hại sức khỏe hoặc người đại diện của họ có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền trưng cầu giám định lại.”
Như vậy, nếu bạn không đồng ý với kết luận giám định ban đầu, nghi ngờ kết quả giám định này không chính xác thì có quyền yêu cầu giám định lại. Khi đó, cơ quan có thẩm quyền trưng cầu giám định sẽ theo đề nghị của bạn để ra quyết định trưng cầu giám định lại (khoản 2 Điều 211 Bộ luật tố tụng hình sự 2015).
Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp bạn yêu cầu thì cơ quan trưng cầu giám định cũng sẽ trưng cầu giám định lại mà cần phải có bằng chứng, căn cứ chứng minh kết quả giám định đó không chính xác, không đảm bảo tính khách quan. Trong trường hợp người trưng cầu giám định không chấp nhận yêu cầu giám định lại thì phải thông báo cho bạn bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Nếu như sau khi giám định lại nhận thấy, có sự khác nhau giữa kết luận giám định lần đầu và kết luận giám định lại về cùng một nội dung giám định thì việc giám định lại lần thứ hai do người trưng cầu giám định quyết định. Việc giám định lại lần thứ hai phải do Hội đồng giám định thực hiện theo quy định của Luật giám định tư pháp.
Khi đó, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quản lý về lĩnh vực cần giám định sẽ ra quyết định thành lập Hội đồng để thực hiện việc giám định lại lần thứ hai. Hội đồng giám định này gồm có ít nhất 03 thành viên là những người có chuyên môn cao và có uy tín trong lĩnh vực cần giám định và hoạt động theo cơ chế giám định tập thể theo quy định tại khoản 2 Điều 28 Luật giám định tư pháp 2012.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với trường hợp của bạn. Chúc bạn mong chóng bình phục sức khoẻ và có thêm nhiều kiến thức hữu ích để có thể bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com