Tôi có một người bác ngoài xã hội đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong cuộc sống nhưng vì nhiều lý do mà không liên lạc một thời gian dài. Nay tôi có nghe tin bác vì đánh người mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự và đang phải chấp hành án phạt tù ở trong trại giam. Tôi rất muốn thăm bác thì được người nhà bác cho biết chỉ có người nhà, cùng huyết thống mới được vào thăm. Vợ bác có bảo tôi cứ đến thăm, và cứ nói với cán bộ trại giam là con ruột rồi ghi vào sổ thăm nuôi là được vào. Tuy nhiên, tôi rất sợ nếu lỡ sau này việc tôi nói dối mà bị phát hiện thì sẽ bị xử lý theo pháp luật. Vậy tôi muốn hỏi, trường hợp của tôi, không phải là người thân của phạm nhân thì có được vào thăm phạm nhân không? Mong được giải đáp.

Trả lời:

Chào bạn. Cám ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tư vấn đến Công ty Luật TNHH Sao Việt. Về vấn đề của bạn chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn như sau:

1. Căn cứ pháp lý:

- Luật thi hành án hình sự năm 2019

- Thông tư 14/2020/TT-BCA

2. Nội dung tư vấn:

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn đang muốn vào thăm một người bác (quen biết xã hội) đang phải chấp hành hình phạt tù ở trong trại giam. Trường hợp này bác của bạn được xác định là phạm nhân theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật thi hành án hình sư năm 2019.

Hiện nay đối với việc thăm gặp thân nhân, tại điểm d khoản 1 Điều 27 Luật thi hành án hình sự có quy định phạm nhân có quyền “được gặp, liên lạc với thân nhân, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân”. Đồng thời, tại Điều 52 của Luật này cũng quy định, phạm nhân được quyền gặp thân nhân, đại diện của các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác.

Bên cạnh đó, tại Thông tư 14/2020/TT-BCA cũng quy định cụ thể về các tội tượng được gặp phạm nhân đang bị giam giữ tại cơ sở giam giữ thuộc công an nhân dân như sau:

“Điều 4. Đối tượng được gặp phạm nhân

1. Thân nhân được gặp phạm nhân gồm: Ông, bà nội; ông, bà ngoại; bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ (hoặc chồng); bố, mẹ nuôi hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi hợp pháp; anh, chị, em ruột, dâu, rể; anh, chị em vợ (hoặc chồng); cô, dì, chú, bác, cậu, cháu ruột. Mỗi lần đến gặp phạm nhân tối đa không quá 03 thân

nhân, trường hợp đặc biệt do yêu cầu giáo dục cải tạo, Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân có thể quyết định việc tăng số lượng thân nhân được gặp phạm nhân nhưng không quá 05 người và phải đảm bảo việc phạm nhân gặp thân nhân không làm ảnh hưởng đến an ninh, an toàn cơ sở giam giữ phạm nhân.

2. Trường hợp đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác đề nghị được gặp phạm nhân thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân xem xét, giải quyết nếu xét thấy phù hợp với lợi ích hợp pháp của phạm nhân cũng như yêu cầu quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân và phòng, chống tội phạm.”

Xem xét trong trường hợp của bạn, bạn không phải là thân nhân của người bác (đang là phạm nhân này), cũng không có quan hệ huyết thống mà chỉ có mối quan hệ xã hội thông thường, do vậy, trường hợp này, căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 14/2020/TT-BCA được trích dẫn ở trên thì bạn vẫn có thể được gặp người bác của bạn nếu được Thủ trưởng Cơ sở giam giữ phạm nhân – nơi bác bạn đang chấp hành án phạt tù chấp thuận.

Trường hợp này, để thực hiện mong muốn gặp được người bác của bạn, theo quy định tại Điều 5 Thông tư 14/2020/TT-BCA thì bạn cần thực hiện các thủ tục sau:

Bước 1: Bạn cần chuẩn bị đơn đề nghị bằng văn bản về việc thăm gặp phạm nhân đang chấp hành án trong trại giam.

Văn bản đề nghị này phải được cơ quan nơi bạn đang học tập, làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi bạn cư trú xác nhận. Kèm theo đơn cần cung cấp giấy tờ tùy thân gồm Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu hoặc giấy tờ chứng minh là cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức thuộc lực lượng vũ trang. Trường hợp bạn là người dưới 14 tuổi không có giấy tờ tùy thân kèm theo thì Đơn đề nghị thăm gặp phạm nhân của bạn phải được dán ảnh, được Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an xã nơi bạn cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi bạn làm việc, học tập xác nhận và đóng dấu giáp lai vào ảnh.

BƯớc 2: Bạn nộp đơn cho Thủ trưởng Cơ quan nơi giam giữ bác của bạn để được xem xét giải quyết.

Bước 3: Trường hợp được chấp thuận cho vào gặp phạm nhân thì bạn phải chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, nội quy của nhà gặp phạm nhân, nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân, và tuân theo sự hướng dẫn của cán bộ có nhiệm vụ theo quy định.

Như vậy, tùy vào từng trường hợp cụ thể, nếu việc gặp phạm nhân là phù hợp với lợi ích của phạm nhân, và yêu cầu quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân thì bạn sẽ được cho phép gặp phạm nhân theo quy định, không nên nói dối bạn nhé.

Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer