Chào luật sư, tôi muốn hỏi về một việc như sau: Tôi là có mở một shop để order và bán đồ qua mạng, chủ yếu là búp bê và những sản phẩm của các idol. Thông thường, khách chuyển khoản tiền cọc trước sau đó tôi mới đặt hàng từ nước ngoài về Việt Nam; khi nào hàng về tôi sẽ báo khách để họ chuyển khoản số tiền còn lại và gửi hàng đi cho khách. Có một khách hàng quen tên Linh thường mua đồ bên tôi, nhưng sau đó liên tục trễ hẹn đặt cọc nên tôi không bán hàng cho bạn này nữa. Sau đó có một nick face khác tên "Acoco" cũng thường xuyên mua đồ của tôi, và cũng gửi bill chuyển khoản qua ví momo để đặt hàng. Thời gian đó, do có một mình nên tôi cũng khá bận, với lại tỷ giá đổi tiền Trung – Việt cũng thay đổi liên tục nên tôi chủ quan không thể check tài khoản thường xuyên. Sau này kiểm tra lại tôi mới phát hiện bị thâm hụt hơn 200 triệu đồng và những bill chuyển khoản của tài khoản "Acoco" là bill giả. Tôi có tìm hiểu và xác minh được khách hàng có nick face Acoco này chính là khách hàng tên Linh trước đây thường mua hàng. Linh ban đầu còn chống chế, nhưng sau đó cũng thừa nhận việc đã lấy những bill chuyển khoản cũ rồi chỉnh sửa ngày tháng, số tiền để gửi cho tôi trong khi trên thực tế Linh không hề chuyển tiền. Với thủ đoạn này, Linh đã chiếm đoạt hơn 200 triệu đồng của tôi, và giờ thì bạn này không có khả năng trả lại. Linh mới sinh năm 2006. Tôi muốn hỏi, trường hợp bạn này và gia đình không chịu trả lại tiền cho tôi thì tôi có thể tố cáo lên Công an không? Mong được giải đáp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trả lời:

Chào bạn. Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt. Về vấn đề của bạn chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn như sau:

Dựa trên thông tin bạn cung cấp, giữa bạn và bạn Linh  đã có thiết lập giao dịch dân sự mua bán hàng hóa. Tuy nhiên, trên thực tế, người tên Linh này đã có hành vi dùng tài khoản facebook khác để mua hàng bên bạn, sau đó sử dụng những bill chuyển tiền qua ngân hàng và qua tài khoản momo mà bạn ấy đã mua trước đây để chỉnh sửa ngày tháng, số tiền, tên sản phẩm để gửi lại cho bạn. Việc chỉnh sửa, làm giả các bill chuyển tiền này là thủ đoạn gian dối khiến bạn tin tưởng rằng họ đã mua hàng và chuyển tiền mua hàng theo quy định, từ đó nhằm chiếm đoạt tài sản của bạn.  Trường hợp này có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017:        

“Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

...

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;;

...”

Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 được trích dẫn ở trên thì với hành vi đăng ký mua hàng và chỉnh sửa giả mạo “bill chuyển khoản” để chiếm đoạt hàng hóa và tiền hoàn cọc với tổng giá trị hàng hóa, và tiền bị chiếm đoạt lên đến 200.000.000 đồng thì bạn Linh này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.

Tuy nhiên, cũng theo thông tin bạn cung cấp thì Linh sinh năm 2006, tức là tại thời điểm hiện tại Linh chỉ mới 15 tuổi. Mà theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2017 thì: “2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”. Căn cứ theo quy định này thì hành vi của bạn Linh mặc dù có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng bạn Linh này vẫn chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với tội danh này.

Vì vậy, mặc dù bạn có quyền tố cáo bạn Linh này lên cơ quan công an, tuy nhiên, bạn này sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, chưa đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự theo quy định.

Tuy nhiên, bạn này vẫn có thể bị xử phạt theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng  - 2.000.000 đồng vì có hành vi “dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác”. Nhưng do bạn Linh mới 15 tuổi, là người chưa thành niên nên căn cứ theo khoản 3 Điều 134 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì bạn sẽ không bị áp dụng hình thức phạt tiền, cụ thể: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi VPHC thì không áp dụng hình thức phạt tiền. Trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi VPHC bị phạt tiền thì mức tiền phạt không quá ½ mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên”.

Trường hợp này để lấy lại số tiền đã mất bạn có thể làm việc với gia đình bạn để thỏa thuận giải quyết hoặc khởi kiện ra Tòa án theo quy định.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer