Tôi hay chơi game liên quân lúc rảnh rỗi để giải trí. Thông qua các hội nhóm, diễn đàn giao lưu chia sẻ kinh nghiệm chơi liên quân trên mạng xã hội, tôi có quen một người bạn và hai bên thỏa thuận mua bán Acc (account) kèm theo các vật phẩm. Tuy nhiên sau khi tôi chuyển cho họ số tiền 1.600.000 đồng thì họ chặn mọi cách thức liên lạc và không giao tài khoản như đã thỏa thuận.Vậy trong trường hợp này, tôi phải làm như thế nào? Mong Luật sư tư vấn giúp tôi!
Ảnh minh họa: Internet
Trả lời:
Chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt.
Trong những năm trở lại đây, chơi game không đơn thuần chỉ là một hình thức giải trí mà còn dần biến tướng thành một công cụ giúp nhiều người kiếm lời. Xuất phát từ nhu cầu nâng hạng, tăng cấp bậc, nhiều người chơi sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để mua tài khoản (acc), vật phẩm game nhằm phục vụ mong muốn trở thành game thủ của mình. Hơn nữa, các giao dịch, mua bán tài khoản, vật phẩm game thực hiện chủ yếu qua mạng, nên nhiều đối tượng đã lợi dụng sơ hở này để chiếm đoạt tài sản của người chơi điển hình như sau khi nhận vật phẩm, người mua lẩn trốn không chịu trả tiền hoặc người bán cuỗm tiền mà không chịu giao vật phẩm, tài khoản game.
Từ những thông tin bạn đề cập, chúng tôi hệ thống lại 2 vấn đề như sau:
Vấn đề 1: Quy định pháp luật về mua bán tài khoản, vật phẩm game
Tài khoản, vật phẩm game không được coi là tài sản theo quy định tại Điều 105 Bộ luật dân sự 2015, do đó cá nhân thực hiện hành vi mua bán tài khoản, vật phẩm ảo hoặc điểm thưởng có thể bị xử phạt hành chính đến 3 triệu đồng:
1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi đăng ký không đúng thông tin cá nhân khi chơi các trò chơi điện tử G1.
2. Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành quy định về quản lý giờ chơi tại điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Lợi dụng trò chơi điện tử để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây mất trật tự, an toàn xã hội và an ninh quốc gia;
b) Mua, bán vật phẩm ảo hoặc đơn vị ảo hoặc điểm thưởng.”
(Quy định tại Điều 106 Nghị định 15/2020/NĐ-CP)
Mặc dù pháp luật quy định việc xử phạt đối với hành vi mua bán tài khoản vật phẩm game tuy nhiên trên thực tế số lượng các vụ việc bị xử phạt hành chính về hành vi này gần như rất hiếm. Bởi lẽ hoạt động giao dịch mua bán chủ yếu diễn ra trên mạng xã hội, người bán, người mua không nắm được các thông tin cụ thể của đối phương dẫn đến cơ quan chức năng rất khó phát hiện và xử lý phạm.
Vấn đề 2: Trách nhiệm pháp lý đối với hành vi lừa đảo mua tài khoản, vật phẩm game
Nếu không may trở thành nạn nhân bị lừa đảo mua tài khoản, vật phẩm game, người mua cần ngay lập tức lưu lại các bằng chứng, thông tin liên quan đến đối tượng và trình báo sự việc ra cơ quan công an. Khi đó tùy theo tính chất, mức độ, cá nhân, tổ chức thực hiện các thủ đoạn lợi dụng tài khoản, vật phẩm game nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản qua mạng có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu TNHS về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể như sau:
Trách nhiệm hành chính:
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, trường hợp lừa đảo nếu chưa đến mức chịu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt hành chính đến 03 triệu đồng.
“1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
…c) Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;…”
Trách nhiệm hình sự: Trên thực tế, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng, hay qua các phương tiện điện tử ngày càng tinh vi, có nhiều biến tướng. Cá nhân thực hiện các chiêu trò lừa đảo nêu trên có thể bị truy tố về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
Bản chất của các chiêu trò nói trên được xem xét là thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản trong cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 173 BLHS 2015. Thủ đoạn gian dối được hiểu là việc đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết (viết thư, email, tin nhắn,...), bằng hành động khác. Đặc biệt, nếu số tiền chiếm đoạt có giá trị lớn thì những kẻ phạm tội có nguy cơ phải đối mặt với hình phạt tù tối đa lên đến 20 năm hoặc phạt tù chung thân.
Bài viết liên quan: Cảnh báo một số thủ đoạn lừa đảo sử dụng công nghệ cao
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com