Luật sư Sao Việt cho tôi hỏi: Vì muốn có tiền để đánh bạc nên H đã đến nhà tôi giả vờ hỏi mượn xe LEAD (trị giá 35 triệu đồng) để đi thăm người nhà bị ốm. Khi tôi cho H mượn xe thì H đã đã cầm cố chiếc xe với giá 10 triệu đồng để đánh bạc. Tôi đã làm đơn tố cáo ra cơ quan điều tra. Luật sư cho tôi hỏi H đã phạm tội gì?

Hình ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trả lời:

Chào bạn, Luật sư Sao Việt có quan điểm tư vấn như sau:

Theo thông tin bạn đọc cung cấp: H có hành vi dùng thủ đoạn gian dối (giả vờ mượn xe LEAD để đi thăm người nhà bị ốm) làm cho bạn là chủ sở hữu chiếc xe máy tưởng là thật nên đã tự nguyện giao xe máy cho H. Khi H nhận được xe máy của bạn thì H đã có hành vi chiếm đoạt chiếc xe máy bằng cách mang xe đi cầm được 10 triệu đồng rồi lấy tiền đấy đánh bạc. Hành vi này của H là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, do đó H đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015. Bởi theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 thì mặt khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thể hiện ở hành vi duy nhất đó là hành vi chiếm đoạt nhưng chiếm đoạt bằng thủ đoạn gian dối. Trong đó thủ đoạn gian dối là điều kiện để thực hiện hành vi chiếm đoạt.

Gian dối là đưa ra thông tin hay hành động không đúng sự thật nhằm đánh lừa người khác để người khác tin đó là sự thật. Thủ đoạn gian dối được thực hiện rất đa dạng có thể qua lời nói, sử dụng giấy tờ giả, giả danh người có chức vụ, quyền hạn… Hành vi gian dối trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhằm chiếm đoạt tài sản, còn nếu có hành vi gian dối không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản mà nhằm mục đích khác, dù mục đích này có tính tư lợi cũng không cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ở đây thủ đoạn gian dối thể hiện ở việc H đã nói dối là đi thăm người ốm để mượn xe máy của bạn nhằm mục đích chiếm đoạt chiếc xe.

Thủ đoạn gian dối trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải được thể hiện bằng những hành vi cụ thể nhằm đánh lừa chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản. Luật hình sự Việt Nam không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có thủ đoạn gian dối thuộc về tư tưởng, suy nghĩ mà không biểu hiện ra bên ngoài bằng hành vi.

Thủ đoạn gian dối của người phạm tội bao giờ cũng phải có trước khi có việc giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội thì mới là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong trường hợp của bạn thủ đoạn gian dối được H thực hiện khi có người nhà ốm nằm viện. Nếu thủ đoạn gian dối của H có sau khi H nhận được tài sản thì không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà tuỳ từng trường hợp có thể phạm tội khác.

Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi chuyển dịch tài sản của người khác thành tài sản của mình bằng thủ đoạn gian dối, trong tình huống trên là hành vi chuyển dịch chiếc xe LEAD của bạn thành tài sản của H bằng việc H mượn xe để đi thăm người nhà nằm viện.

Hậu quả của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là thiệt hại về tài sản mà cụ thể là giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng trở lên mới cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị dưới 2.000.000 đồng thì phải kèm theo điều kiện được quy định tại điểm a, b, c, d – khoản 1, Điều 174 (Bộ luật Hình sự 2015 sđ, bs 2017). Như vậy, trường hợp của H đã lấy xe máy của bạn đem cầm với giá 10 triệu đồng để lấy tiền đánh bạc được cơ quan điều tra tiến hành thu thập chứng cứ và xác minh như chúng tôi đã phân tích trên thì H sẽ bị khởi tố về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Khoản 1- Điều 174 (BLHS 2015 sđ, bs 2017)

“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”

Ngoài ra, đối với hành vi của chủ hiệu cầm đồ do xe máy là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu mà chủ hiệu lại nhận cầm cố chiếc xe của bạn từ 1 người khác nên đây là giao dịch dân sự vô hiệu. Theo quy định tại điểm d, khoản 2 Điều 11 Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì chủ hiệu cầm đồ sẽ bị xử phạt hành chính từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

“d) Nhận cầm cố tài sản mà theo quy định tài sản đó phải có giấy tờ sở hữu nhưng không có các loại giấy tờ đó”

Để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 hoặc 0243 636 7896 hoặc E-mail: saovietlaw@vnn.vn.

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer