Nuôi dạy con cái nên người là một hành trình mà có lẽ hầu hết các bậc làm cha, làm mẹ luôn canh cánh trong lòng. Nhưng không phải bất cứ bậc phụ huynh nào cũng có phương pháp dạy con đúng chuẩn mực. Bởi vậy trong thực tiễn, đôi khi cách bảo ban, dạy dỗ con những tưởng là “thương cho roi cho vọt” nhưng lại vô tình (hoặc cố ý) trở thành hành vi bạo hành trẻ em.Vậy hành vi ngược đãi, đánh đập con cái hiện nay được pháp luật quy định như thế nào?

Ảnh minh họa: Internet

Trả lời:

Chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Cha mẹ có quyền dạy dỗ, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội trên cơ sở tình yêu thương, tôn trọng ý kiến, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của con (theo quy định tại Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình 2014). Nhưng tồn tại đâu đó trong xã hội vẫn có một bộ phận không nhỏ những cá nhân tự cho mình quyền làm cha, làm mẹ, trên danh nghĩa dạy dỗ, giáo dục để đánh đập, hành hạ con cái cả về thể xác, tinh thần như:

- Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;

- Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

- Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;

- Cưỡng ép quan hệ tình dục;

- Cưỡng ép con lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của con; kiểm soát thu nhập của con nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính; chiếm đoạt tài sản của con

- Có hành vi trái pháp luật buộc con ra khỏi chỗ ở.

(Điều 2 Luật Phòng chống bạo lực gia đinh 2007)

Như vậy, bất kỳ cha mẹ nào thực hiện các hành vi nói trên hoặc hành vi khác đối xử tàn ác với con đều là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm các chuẩn mực đạo đức, xâm phạm trực tiếp đến quyền cơ bản của con người. Tùy theo tính chất, mức độ cụ thể, cá nhân đó có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu TNHS về Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình ( Điều 185 BLHS 2015), Tội cố ý gây thương tích (Điều 134 BLHS), Tội bức tử ̣(Điều 130 BLHS)

Trách nhiệm hành chính:

Căn cứ theo quy định tại Điều 49, 50 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, theo đó, cha mẹ có thể bị xử phạt vi phạm hành chinh với mức phạt như sau:

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.

- Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;

b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.

c, Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân;

Trách nhiệm hình sự:

-Truy cứu TNHS về Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình theo Điều 185 BLHS nếu:

“ Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 05 năm:

a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;

b) Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.”

Lưu ý: Hành vi hành hạ của cha mẹ đối với con cái của mình thì không bị truy cứu TNHS về Tội hành hạ người khác

-Truy cứu TNHS về Tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 BLHS 2015:

“Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
c) Đối với người dưới 16 tuổi, hoặc người khác không có khả năng tự vệ;…”

Trường hợp con cái vì bị cha mẹ hành hạ, ngược đãi… là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc con cái tự sát thì cha mẹ đó còn bị truy cứu TNHS về Tội bức tử với mức phạt tù từ 2-12 năm theo quy định tại Điều 130 BLHS

Bài viết liên quanNgược đãi, đánh đập bố mẹ, con cái bị xử lý như thế nào?

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.co

 

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer