Xin chào luật sư Sao Việt, tôi xin trình bày sự việc của mình như sau: Gia đình tôi có tranh chấp đất làm hàng rào với nhà hàng xóm. Lúc đầu thì hai bên gia đình có lời qua tiếng lại sau đó đã có xảy ra xô xát. Đầu tháng trước người hàng xóm ấy lấy gậy gỗ đánh mạnh vào người chồng tôi, làm chồng tôi bị chảy máu đầu và tay. Cơ quan công an có về lập biên bản và làm việc nhưng sau một thời gian điều tra thì gia đình tôi nhận được thông tin là người hàng xóm đó có hồ sơ mắc bệnh tâm thần và đang điều trị. Vậy luật sư cho tôi hỏi trường hợp người hàng xóm bị mắc bệnh tâm thần thật thì họ có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không ạ?

 

Hình ảnh minh họa (Nguồn: internet)

 

Trả lời:

Chào bạn, với câu hỏi của bạn, Luật Sao Việt có quan điểm tư vấn như sau:

Để xác định người hàng xóm đấy có bị tâm thần thật hay không, có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự hay không thì cơ quan chức năng sẽ phải căn cứ vào các dấu hiệu nhận biết để xác định tình trạng nêu trên của người đó.

Căn cứ vào Điều 21 BLHS 2015 thì:

“Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”

Theo đó, có hai dấu hiệu để xác định tình trạng không có năng lực chịu trách nhiệm hình sự:

- Dấu hiệu y học (mắc bệnh)

- Dấu hiệu tâm lí (mất năng lực nhận thức hoặc năng lực điều khiển hành vi).

Xét về dấu hiệu y học: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác gây rối loạn hoạt động tâm thần (như tâm thần phân liệt, bệnh động kinh…)

Theo các nhà y học khi con người mắc bệnh tâm thần sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động nhận thức và từ đó ảnh hưởng đến khả năng điều khiển hành vi của họ.

Xét về dấu hiệu tâm lí: Người trong tình trạng không có năng lực chịu trách nhiệm hình sự là người đã mất năng lực hiểu biết những đòi hỏi của xã hội liên quan đến hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Họ không còn năng lực đánh giá hành vi thực hiện của mình là đúng hay sai, nên làm hay không nên làm. Vì thế, họ cũng không thể kiềm chế được hành vi mang lại nguy hiểm cho xã hội cũng như cân nhắc, lựa chọn xử sự cho phù hợp với đòi hỏi của xã hội.

Như vậy, người không có năng lực chịu trách nhiệm hình sự là khi người đó thỏa mãn cả hai dấu hiệu: y học và tâm lí.

Chính vì vậy, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã không đặt ra trách nhiệm hình sự đối với những người phạm tội khi không có năng lực chịu trách nhiệm hình sự.

Trong tình huống của bạn nêu trên, chúng tôi không thể xác định được ngay là hàng xóm của gia đình bạn thuộc trường hợp nào để biết người hàng xóm đó có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không. Việc này cần cơ quan điều tra đưa hàng xóm của bạn đi giám định tâm thần tư pháp. Có hai trường hợp sẽ xảy ra như sau:  

Trường hợp thứ nhất:  

Theo quy định tại Điều 21 bộ luật hình sự 2015: Nếu người hàng xóm thực hiện hành vi phạm tội của mình trong khi đang mắc bệnh tâm thần thì không phải chịu trách nhiệm hình sự . Trong trường hợp này người hàng xóm không đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự nên không có lỗi. Năng lực chịu trách nhiệm hinh sự là điều kiện cần thiết để xác định người đấy có lỗi khi họ thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Vì chỉ người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự mới có thể là chủ thể của tội phạm. Còn người trong tình trạng không có năng lực chịu trách nhiệm hình sự là người đã mất năng lực hiểu biết, kiểm soát hành vi gây nguy hiểm cho xã hội và họ cũng không đánh giá được hành vi đã thực hiện là đúng hay sai? Nên làm hay không nên làm?

Trường hợp thứ hai:

Người hàng xóm của bạn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp người đó vẫn có khả năng nhận biết và khả năng điều khiển hành vi của bản thân anh ta. Chỉ sau khi gây án xong người hàng xóm mới bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, mất năng lực điều khiển hành vi thì theo quy định của pháp luật phải bắt buộc các biện pháp chữa bệnh đối với người hàng xóm. Cho đến khi khỏi bệnh thì người hàng xóm đấy vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình đã gây ra. 

Để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua:

Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 hoặc 0243 636 7896

E-mail: saovietlaw@vnn.vn

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer