Chào luật sư, tôi muốn hỏi về một việc như sau: Một người quen của tôi vừa bị tuyên án tử hình về tội giết người. Tôi muốn hỏi là người bị kết án tử hình thì có được gặp người quen, người thân không? Mong được giải đáp.
Nguồn ảnh: Internet
Trả lời:
Chào bạn. Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công Ty Luật TNHH Sao Việt. Để giải đáp vấn đề của bạn, chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015
Thông tư 39/2012/TT-BCA ngày 04/07/2012.
2. Nội dung tư vấn
Dựa theo thông tin bạn cung cấp thì bạn đang muốn hỏi về việc thăm gặp đối với người bị tuyên án tử hình.
Về vấn đề này, xét thấy, khi một người bị kết án/tuyên án tử hình thì trước khi thi hành án, họ thuộc đối tượng bị tạm giam theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, theo đó: “Người bị tạm giam là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giam, gia hạn tạm giam theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, bao gồm bị can; bị cáo; người bị kết án phạt tù, người bị kết án tử hình mà bản án chưa có hiệu lực pháp luật hoặc đang chờ thi hành án; người bị tạm giam để thực hiện việc dẫn độ.”
Đồng thời, tại khoản 2 Điều 37 Luật thi hành tạm giữ tạm giam cũng có quy định về việc thăm gặp đối với người bị kết án tử hình như sau:
Điều 37. Chế độ ăn, ở và quản lý giam giữ đối với người bị kết án tử hình
...2. Việc thăm gặp đối với người bị kết án tử hình mà bản án đã có hiệu lực pháp luật, đang chờ thi hành án do Giám thị trại tạm giam quyết định; đối với người bị kết án tử hình mà bản án chưa có hiệu lực pháp luật thì thực hiện theo quy định tại Điều 22 của Luật này. Việc tổ chức thăm gặp phải bảo đảm tuyệt đối an toàn.
…”
Căn cứ theo quy định tại Điều 37 Luật thi hành tạm giữ tạm giam năm 2015 được trích dẫn ở trên thì có thể thấy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì người bị kết án tử hình vẫn có quyền được thăm gặp người khác. Tuy nhiên, việc thăm gặp “người bị kết án tử hình” sẽ khác nhau với từng trường hợp. Cụ thể:
Một là, Đối với trường hợp người bị kết án tử hình mà bản án của họ đã có hiệu lực pháp luật và họ hiện đang phải chờ thi hành án thì việc thăm gặp trong trường hợp này sẽ do Giám thị trại giam nơi giam giữ họ quyết định.
Mà theo quy định tại Điều 7 Thông tư 39/2012/TT-BCA quy định về việc quản lý, giam giữ người bị kết án tử hình thì “Người bị kết án tử hình được gặp thân nhân gồm: Ông bà (nội, ngoại), bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi hợp pháp, bố mẹ vợ (hoặc chồng), anh chị em ruột, vợ (hoặc chồng), con dâu, con rể, con đẻ, con nuôi hợp pháp.”. Điều đó có nghĩa, trong trường hợp người bị kết án tử hình đang bị tạm giam để chờ thi hành án thì chỉ có những người được xác định là thân nhân nêu trên mới có quyền thăm gặp, và việc được thăm gặp sẽ do Giám thị trại giam nơi giam giữ người bị kết án tử hình quyết định.
Hai là, Đối với trường hợp người bị kết án tử hình mà bản án của họ chưa có hiệu lực pháp luật thì trường hợp này, việc thăm gặp đối với người bị kết án tử hình sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 22 Luật thi hành tạm giữ tạm giam năm 2015 như đối với những người bị tạm giam khác.
Và trường hợp này, dù là thân nhân hay là luật sư bào chữa của “người bị kết án tử hình nhưng bản án chưa có hiệu lực pháp luật” thì đều phải xuất trình giấy tờ tùy thân, hoặc giấy tờ xác nhận quan hệ (trong trường hợp người thăm gặp là thân nhân của người bị tạm giam) hoặc giấy tờ về việc bào chữa (trong trường hợp người thăm gặp là luật sư bào chữa của người bị kết án đang bị tạm giam).
Theo quy định tại Thông tư 39/2012/TT-BCA quy định về việc quản lý, giam giữ người bị kết án tử hình chỉ quy định về quyền được gặp người bị kết án tử hình của thân nhân người bị kết án tử hình (khoản 2 Điều 7), của luật sư hoặc người bào chữa khác cho người bị kết án tử hình; và các cán bộ thuộc cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan khác liên quan (Điều 10). Vậy nên trường hợp người muốn thăm gặp người bị kết án tử hình mà không thuộc đối tượng trên thì sẽ không được thăm gặp.
Ngoài ra, trong trường hợp thân nhân là người thăm gặp người bị kết án tử hình còn phải đảm bảo các nguyên tắc được quy định tại Điều 7 Thông tư 39/2012/TT-BCA, cụ thể:
- Để có thể đến thăm gặp người bị kết án tử hình thì thân nhân phải có sổ thăm gặp do trại tạm giam cấp hoặc đơn đề nghị được thăm gặp phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú, hoặc cơ quan, đơn vị nơi làm việc, giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân khác. Trường hợp thân nhân của người bị kết án tử hình là người nước ngoài thì phải có đơn đề nghị (tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài) và phải được Thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý trại tạm giam đồng ý.
- Thân nhân đến thăm gặp người bị kết án tử phải thực hiện đúng các quy tắc, nội duy của trại giam, phải đảm bảo đảm tuyệt đối an toàn, không để người bị kết án tử hình trốn, tự sát hoặc có các hành vi vi phạm khác.
Qua phân tích ở trên, xác định, không phải trường hợp nào cũng có quyền thăm gặp người bị kết án tử hình, mà chỉ có thân nhân và những đối tượng được quy định mới có quyền được thăm gặp. Mà theo thông tin, trường hợp này mặc dù không nói rõ người quen của bạn bị kết án tử hình thì bản án đã có hiệu lực pháp luật hay chưa, nhưng với tư cách là “người quen” thì bạn không thuộc trường hợp được quyền thăm gặp người bị kết án tử hình theo quy định tại Điều 37 Luật thi hành án năm 2015, Điều 7 Thông tư 39/2012/TT-BCA được trích dẫn ở trên.
Như vậy, trường hợp này bạn không thể gặp người quen của bạn – người đang bị kết án tử hình.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu còn vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com