Liên quan đến vụ việc cướp tiệm vàng xảy ra tại khu vực chợ Đông Ba – Thành phố Huế vào trưa ngày 31/7/2022, công an TP Huế đã ra thông báo đề nghị những người dân nhặt vàng trả lại cho chủ sở hữu/ giao nộp lại cho cơ quan công an để phục vụ cho việc điều tra tội phạm. Do đó người dân nhặt được vàng nhưng cố tình không trả lại cũng sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.

Theo thông tin ban đầu, nghi phạm trong vụ cướp tiệm vàng được xác định là Ngô Văn Quốc (sống tại thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Khoảng 12 giờ 30 phút ngày 31-7, đối tượng Quốc mang theo khẩu súng AK bất ngờ xông vào hai tiệm vàng Hoàng Đức và Thái Lợi uy hiếp chủ tiệm vàng và lấy vàng. Điều đáng nói là sau khi cướp được vàng, đối tượng này đã ném toàn bộ số vàng cướp được ra đường.

 Công an Huế vận động người dân trả lại vàng do tên cướp ném ra đường  - Ảnh 3.

Nguồn ảnh: Internet

Theo nhận định của Luật Sao Việt, không chỉ người thực hiện hành vi cướp tiệm vàng bị xử lý hình sự (nếu có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm) mà ngay cả người dân nhặt được vàng nhưng cố tình không trả lại cũng có nguy cơ phải đối mặt tội danh “Chiếm giữ trái phép tài sản” theo quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015:

“Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm….”

Từ quy định của luật, có thể hiểu, Chiếm giữ trái phép tài sản là hành vi cố tình không trả lại tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cho cơ quan có trách nhiệm về tài sản do bị giao nhầm, do tìm được, bắt được sau khi đã có yêu cầu nhận lại tài sản đó. Do vậy, sau khi có thông báo của công an TP Huế đề nghị người nhặt được trả lại vàng nhưng cố tình không trả lại thì được xem là hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.

Tuy nhiên để kết luận chính xác trách nhiệm pháp lý của những người nhặt được vàng do tên cướp ném ra đường mà không trả lại, cần phải xem xét 2 trường hợp sau đây:

- Bị xử lý hình sự:

Trách nhiệm hình sự được đặt ra đối với cá nhân nhặt vàng mà không trả lại nếu có các dấu hiệu của Tội chiếm giữ trái phép tài sản, cụ thể:

1. Chủ thể thực hiện hành vi phạm tội: người từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực TNHS

2. Khách thể bị xâm phạm là quyền sở hữu tài sản của công dân - không xâm phạm đến quan hệ nhân thân ( ở đây là quyền sở hữu tài sản của chủ tiệm vàng). Đây là một trong những dấu hiệu đặc trưng, cơ bản của Tội chiếm giữ trái phép tài sản đồng thời để phân biệt Tội chiếm giữ trái phép tài sản với các tội phạm khác.

3. Mặt khách quan của tội phạm là hành vi (thể hiện dưới dạng không hành động) cố tình không trả lại tài sản, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan trách nhiệm.

Các điểm cần lưu ý đối với mặt khách quan của tội chiếm giữ trái phép tài sản gồm:

- Người phạm tội có được tài sản là do bị giao nhầm, do mình tìm được hoặc bắt được (nhặt được).

- Chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp tài sản có yêu cầu nhận lại tài sản bị giao nhầm, do người phạm tội tìm được hoặc bắt được. Nếu chưa có yêu cầu nhận lại tài sản hoặc  yêu cầu đó không phải của chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản thì chưa cấu thành tội phạm tội này.

Giá trị tài sản chiếm đoạt: - tài sản thông thường: phải từ mười triệu đồng trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Tài sản là cổ vật, có giá trị lịch sử văn hóa: không quy định giá trị để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự vì đây là những vật mang giá trị tinh thần hết sức quý giá không thể định giá cụ thể như những loại tài sản thông thường.

4. Yếu tố lỗi: Tội chiếm giữ trái phép tài sản được thực hiện do lỗi cố ý. Người phạm tội mong muốn giữ tài sản do mình nhặt được đến cùng

Khi đó tùy theo tính chất, mức độ, giá trị tài sản chiếm giữ, người phạm tội sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Trường hợp chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì mức phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”

- Trách nhiệm hành chính: Trường hợp không đủ các dấu hiệu để xử lý hình sự về Tội Chiếm giữ trái phép tài sản thì người thực hiện hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác; cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có sẽ bị phạt hành chính, cụ thể bị phạt tiền từ 3 triệu – 5 triệu đồng (điểm d, điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).

 

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 
 
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer