Xin chào Luật Sao Việt, tôi muốn được tư vấn về vấn đề như sau: Trong làng tôi có bà thầy bói tên T mới chuyển về đây sống được hơn một năm. Bà ấy hay tổ chức xem bói tại nhà và tổ chức lễ dâng sao giải hạn. Mỗi lần làm lễ có rất đông người tới tham gia và mẹ tôi cũng từng làm một khóa lễ mất gần 30 triệu đồng. Về sau mẹ tôi ngày càng mê tín, nghe lời bà bói này và liên tục sắm lễ dâng tiền, con cái góp ý cũng không chịu nghe. Tôi muốn hỏi hành vi bói toán, dụ dỗ người dân làm lễ giải hạn của bà T sẽ bị pháp luật xử lý như thế nào? 

Trả lời:

Chào bạn. Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt. Về vấn đề của bạn, chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp thì việc bà T bói toán, tổ chức lễ cúng sao giải hạn là đang hành nghề mê tín dị đoan. Mê tín dị đoan được hiểu là tin vào những điều mơ hồ, nhảm nhí, không phù hợp với lẽ tự nhiên (tin vào bói toán, chữa bệnh bằng phù phép...) dẫn tới hậu quả xấu cho cá nhân, gia đình, cộng đồng về sức khoẻ, thời gian, tài sản, tính mạng.

Mê tín dị đoan bao gồm những hành vi ông đồng, bà cốt, tin xin xăm bói quẻ, tin ngày lành tháng dữ, tin số mạng sang hèn, tin coi tay xem tướng, tin cúng sao, cúng hạn, cúng kem, tin thầy bùa thầy chú, tin cầu cúng tai qua nạn khỏi…

Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi, người hành nghề mê tín dị đoan có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thứ nhất, người hành nghề mê tín dị đoan có thể bị xử phạt hành chính:

Tại điểm đ, khoản 7 Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo:

7. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

đ) Tổ chức hoạt động mê tín dị đoan.”

Theo như thông tin bạn cung cấp, bà T đang có hành vi tổ chức xem bói và tổ chức cúng sao giải hạn; vì vậy bà T có thể bị xử phạt từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra, còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi mê tín dị đoan theo điểm a, khoản 8 Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.

Thứ hai, người hành nghề mê tín dị đoan có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành nghề mê tín dị đoan

Tại Điều 320 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về tội hành nghề mê tín, dị đoan như sau:

“Điều 320. Tội hành nghề mê tín, dị đoan

1. Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Làm chết người;

b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”

Như vậy, nếu bà T đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị kết án đối với hành vi hành nghề mê tín dị đoan mà chưa được xóa án tích thì khi tái phạm sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 320 Bộ luật hình sự. Tùy theo tính chất, mức độ mà bà T sẽ bị phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù có thời hạn lên đến 10 năm.

Thứ ba, người hành nghề mê tín dị đoan có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Trong trường hợp xác định bà T có hành vi dùng việc hành nghề mê tín dị đoan để đưa ra thông tin gian dối, sai sư thật (ví dụ như: chỉ cần làm lễ là chữa khỏi bệnh cho người đang có bệnh, hứa hẹn làm lễ xong là việc làm ăn sẽ thuận lợi,…) làm cho người khác tin là thật và đưa tiền cho bà T. Bà T ý thức rõ mình không làm được như vậy nhưng vẫn cố tình hứa hẹn nhằm chiếm đoạt tài sản của những người mê tín thì hành vi của bà T có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật hình sự 2015.

Tuy nhiên, để xác định bà T có bị truy cứu về tội danh trên hay không Tòa án cần phải căn cứ vào tình tiết cụ thể của vụ án và kết luận của cơ quan điều tra. Việc này cần phải có bằng chứng chứng minh rõ ràng hơn.

Trường hợp của mẹ bạn, nếu bạn và gia đình không thể khuyên nhủ mẹ thì bạn có thể gửi đơn tố giác hành vi vi phạm của bà bói đến cơ quan công an tại địa phương, gửi kèm đơn tố cáo nên gửi kèm những bằng chứng chứng minh mà bạn đã thu thập được.

 

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer