Em gái tôi năm nay học lớp 9, vì dại dột mà trộm điện thoại của bạn, sau đó mang về nhờ tôi đi bán hộ. Tôi mang máy đi cầm đồ được 3 triệu đồng. Sau đó, bạn của em tôi báo công an và phát hiện ra em tôi ăn trộm, nhưng vì em tôi chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự  nên không bị truy cứu. Vậy nếu em tôi không bị truy cứu tội trộm cắp thì tôi có bị truy cứu vì tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có nữa không? Tôi xin cảm ơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có được quy định tại Điều 323 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 như sau:

“Điều 323. Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”

Quy định về “Biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có” được làm rõ theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC là có căn cứ chứng minh biết được tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội.

Như vậy, có 2 trường hợp có thể xảy ra:

Trường hợp 1: Bạn không biết chiếc điện thoại em bạn mang về là do trộm cắp mà có được.

Trong trường hợp này, bạn không phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Trường hợp 2: Bạn biết rõ chiếc điện thoại do em mình ăn trộm (có thể do em bạn nói hoặc do  nhưng vẫn đồng ý tiêu thụ (mang đi cầm đồ hộ)

Trường hợp này, bạn đã đủ những dấu hiệu phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo quy định tại Điều 323 nêu trên

Đối với việc em gái của bạn chưa đủ tuổi nên không bị xử lý hình sự về tội trộm cắp, vậy thì bạn có bị xử lý về tội tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có không?
Vấn đề này được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC. Theo đó, trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội trước không bị truy cứu trách nhiệm hình sự do chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nhưng có đủ chứng cứ chứng minh được ý thức chủ quan của người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ biết rõ các tài sản mà họ chứa chấp, tiêu thụ là do người khác phạm tội mà có thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Bên cạnh đó, Công văn số 100/TANDTC-PC của Tòa án nhân dân tối cao; Công văn số 1620/VKSTC-V2 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Công văn số 1531/C45(P8) của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, đều thống nhất truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo quy định tại Điều 250 Bộ luật hình sự năm 1999 (nay là điều 323 Bộ luật hình sự 2015) mà không buộc người tiêu thụ, chứa chấp phải biết rõ ai là người đã trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội để có được tài sản đó và họ đã bị xử lý hình sự hay chưa.

Như vậy, nếu có chứng cứ rõ ràng chứng minh được bạn biết về chiếc điện thoại em bạn ăn trộm mà có nhưng vẫn chấp nhận mang đi tiêu thụ thì dù em bạn không bị truy cứu do không đủ tuổi, bạn vẫn sẽ phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer