Cách đây 3 ngày tôi có đi mua quần áo và để quên điện thoại ở cửa hàng. Sau đó có người khách đi sau tôi nhặt được điện thoại tôi bỏ quên và cầm đi luôn. Ngay sau khi phát hiện để quên điện thoại, tôi đã quay lại cửa hàng và nhờ trích xuất camera, đồng thời lấy được số điện thoại của người khách kia do họ dùng sđt để tích điểm mua hàng. Tuy nhiên, khi tôi liên hệ thì họ tắt máy, điện thoại của tôi khi gọi vào cũng đã tắt nguồn. Vậy cho tôi hỏi, nếu tôi báo công an và cơ quan công an điều tra ra người lấy điện thoại của tôi thì người đó sẽ chịu trách nhiệm gì?
Ảnh minh họa, Nguồn: Internet.
TRẢ LỜI:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:
Theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật dân sự thì người phát hiện tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm có trách nhiệm phải thông báo hoặc trả lại ngay cho chủ sở hữu; nếu không biết ai là chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, người nhặt được điện thoại của bạn có trách nhiệm thông báo hoặc trả lại ngay cho bạn. Trong trường hợp người đó không biết bạn là chủ nhân của chiếc điện thoại thì có trách nhiệm thông báo hoặc giao nộp đến UBND xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan công an gần nhất. Bạn có quyền đòi lại chiếc điện thoại của mình, căn cứ theo Điều 257 của Bộ luật dân sự: “Chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản; trong trường hợp hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu”.
Theo nguyên tắc suy đoán về tình trạng và quyền của người chiếm hữu thì: “Người chiếm hữu được suy đoán là ngay tình; người nào cho rằng người chiếm hữu không ngay tình thì phải chứng minh.” (Theo Khoản 1 Điều 184 BLDS 2021). Như vậy, khi xảy ra tranh chấp trong trường hợp này bạn sẽ có nghĩa vụ chứng minh mình là chủ nhân của chiếc điện thoại và người nhặt được điện thoại của bạn không có quyền tài sản đối với chiếc điện thoại đó.
Trường hợp bạn đã yêu cầu người nhặt được điện thoại của bạn trả lại nhưng họ cố tình không trả thì có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 141 của Bộ luật hình sự. Theo đó, người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ mười triệu đồng trở lên, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản và có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Trường hợp phạm tội chiếm giữ tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng trở lên hoặc cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hoá có giá trị đặc biệt, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
Trường hợp của bạn, nếu giá trị chiếc điện thoại chưa đủ mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì người chiếm hữu sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 15 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com